Trên cánh đồng thôn Đại Lương, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, bà Nguyễn Thị Hải và nhiều bà con nông dân trong thôn đang đội nắng để khắc phục diện tích su hào mới trồng khoảng 20 ngày. Bà Hải cho biết, chưa khi nào ruộng bị ngập nặng như đợt mưa do ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa rồi, cả 4 sào trồng su hào của gia đình bà bị ngập úng. Trận nắng sau bão làm cho cây su hào héo quắt lại. Theo bà Hải, sẽ mất nhiều công và tốn kém chi phí để có thể khôi phục lại được diện tích này. Còn một số gia đình khác sẽ không thể khôi phục được do trồng muộn hơn.
Chia sẻ với những khó khăn của bà con nông dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đề nghị huyện Gia Lộc, cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trước mắt cần tập trung hướng dẫn nông dân các biện pháp khôi phục sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão. Các địa phương cần khẩn trương kiểm tra thực tế hiện trường, tổng hợp thiệt hại, thực hiện hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Với diện tích rau màu mất trắng, cần có hỗ trợ nông dân kịp thời trồng mới để đảm bảo thời vụ.
Đoàn công tác của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng thăm và kiểm tra tình hình hoạt động tại các trạm bơm do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương quản lý. Tại trạm bơm Hoàng Diệu, theo báo cáo của đại diện chính quyền địa phương, trạm phục vụ tiêu úng cho diện tích 160-170 ha tuy nhiên nên hiện nay đã lạc hậu và gây khó khăn cho việc tiêu úng.
Tại trạm bơm Đò Neo (huyện Tứ Kỳ), ông Triệu Thế Hùng đã đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, người lao động ở trạm nói riêng và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh nói chung trong phòng chống thiên tai. Quan tâm, biểu dương tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, người lao động của công ty, ông Triệu Thế Hùng cũng đề nghị, công ty cần tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động hơn.
Nhấn mạnh tình hình thời tiết cực đoan, diễn biến của thiên tai, mưa bão ngày càng phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và của các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Cần theo dõi bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai để chủ động các kịch bản, phương án ứng phó. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân sớm nắm bắt được các thông tin; người dân phát huy tinh thần chủ động phối hợp tích cực với chính quyền nhằm ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai.
Theo Công ty TNHH Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh có trên 270 trạm bơm đang thuộc quản lý của công ty. Đa phần các trạm bơm này đều xây dựng từ những năm 1960-1970 nên hiện nhiều trạm đã xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến năng lực tưới, tiêu phục vụ sản xuất.
Đối với hệ thống trạm bơm hiện nay đang xuống cấp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ có chỉ đạo các sở, ngành quan tâm và có giải pháp để đầu tư, cải tạo, nâng cấp một số công trình.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 29/8, do ảnh hưởng của bão số 3, Hải Dương tuy không còn diện tích úng ngập nhưng đã có trên 1.300 ha cây trồng và thủy sản bị thiệt hại. Mưa lớn do bão cũng làm trên 7.000 con gia cầm bị chết, một số công trình hạ tầng bị hư hỏng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cùng Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra các công trình đê điều , thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai để phát hiện kịp thời sự cố hư hỏng để xử lý. Đồng thời, tăng cường rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm…