Trên địa bàn huyện Kim Thành có 67 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bến bãi; trong đó, 27 tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng; 17 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh than và 23 tổ chức, cá nhân hoạt động bốc xếp trung chuyển hàng hóa, đóng tàu, chăn nuôi, sản xuất gạch.
Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng mới đây cho thấy chỉ có 10 vị trí bến, bãi có giấy phép hoạt động còn hạn, 12 bến bãi có phép nhưng hết thời hạn và 45 vị trí bến bãi chưa có giấy phép. Hầu hết các bãi than hoạt động không phép, những bến bãi có phép thì hoạt động không đúng với nội dung cấp phép. Nhiều bến bãi tồn tại những công trình nhà lán trông coi. Cụ thể, có 33 tổ chức, cá nhân tồn tại xây dựng công trình, lắp dựng nhà lán vi phạm ở bãi sông.
Ông Tăng Tiến Định, chủ một bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ở xã Lai Vu cho biết đã chuẩn bị các giấy tờ liên quan và gửi các cơ quan chuyên môn. Ông Định rất mong các sở, ban, ngành tạo điều kiện hướng dẫn các chủ bến bãi sớm hoàn thiện hồ sơ cấp phép để hoạt động cho đúng quy định của pháp luật.
Theo Hạt quản lý đê Kim Thành, việc chấp hành pháp luật về đê điều của các tổ chức, cá nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế và hầu hết các vi phạm đã tồn tại từ lâu. Các tổ chức, cá nhân cho biết đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cấp phép hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Kim Thành, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh về kiên quyết xử lý các bến bãi hoạt động không phép hoặc có phép nhưng hoạt động không đúng theo giấy phép, ngày 30/8, Ủy ban Nhân dân huyện Kim Thành đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các bến bãi trên địa bàn ở 6 lĩnh vực với mục đích đưa các bến bãi hoạt động vào khuôn khổ và theo pháp luật của nhà nước. Những bến bãi nào không có cấp phép thì sẽ lập barie để kiến nghị các cấp chính quyền xử lý, kiên quyết giải tỏa.
Vừa qua, Hạt quản lý đê Kim Thành đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn nhiều lần lập các biên bản làm việc và biên bản vi phạm tập kết vật liệu, than và bãi sông, giải tỏa được 300m2 công trình xây dựng trái phép ngoài bãi sông. Đồng thời, tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt 2 tổ chức, 1 cá nhân với tổng số tiền 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Đức cũng cho biết: "Từ tháng 4/2021, huyện Kim Thành đã ban hành các văn bản về tăng cường quản lý hoạt động các bến bãi và đôn đốc hạ tải tại các bến bãi kinh doanh than, vật liệu xây dựng ngoài đê. Hiện nay, một số bến bãi vẫn còn chất tải tương đối cao nhưng lần này chúng tôi sẽ kiên quyết làm bằng được”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 373 bến bãi với 299 bến bãi đang hoạt động. Tuy vậy, việc hoạt động của các bến bãi này còn nhiều bất cập và cần được chấn chỉnh kịp thời. Mới đây, tại cuộc kiểm tra hoạt động một số bến bãi trên địa bàn thị xã Kinh Môn, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của các bến bãi ven sông, xử lý nghiêm các bến bãi hoạt động không có giấy phép, vi phạm quy định hoạt động bến bãi và các quy định của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều.