Theo đó, thay đổi phương pháp làm việc; lắng nghe, đồng hành và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư vào Hải Dương.
Các sở, ngành, địa phương cũng phải công khai, minh bạch, cung cấp kịp thời trình tự, thủ tục hành chính, quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng huyện tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp; hiện đại hóa các thủ tục hành chính qua chính quyền điện tử.
Cùng với đó, chính quyền các cấp phải nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp và phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Nếu sở, ngành, địa phương nào để lãnh đạo tỉnh phải nhắc nhở 3 lần thì sẽ xem xét, xử lý.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hải Dương Lưu Văn Bản đề nghị, hiện Hải Dương có 9 nhóm chỉ số còn nhiều bất cập, các sở, ngành, địa phương phải đối chiếu và xây dựng bản cam kết với các giải pháp khắc phục. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương sẽ giám sát và nếu không có cải thiện thì người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh.
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hải Dương đạt 65,22 điểm, giảm 2,43 điểm (-2,43 điểm) so với năm 2021. Xếp hạng PCI của tỉnh đứng thứ 32 trong cả nước (giảm 19 bậc) so với năm 2021. So với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, xếp hạng của tỉnh đứng thứ 9/11 tỉnh, giảm 4 bậc so với năm 2021.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, trong tổng số 10 chỉ số thành phần PCI, năm 2022 thì Hải Dương chỉ có 1 chỉ số tăng điểm, 9 chỉ số giảm điểm so với năm 2021. Chỉ số tăng điểm là Gia nhập thị trường. Các chỉ số giảm điểm xếp theo thứ tự từ 2,97 điểm đến 0,02 điểm gồm: cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; đào tạo lao động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tính minh bạch; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự và tiếp cận đất đai.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể để từng bước cải thiện PCI. Theo đó, các ngành, địa phương khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh giao trong năm 2022 đối với từng nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành có liên quan trực tiếp đến từng chỉ số thành phần; đánh giá toàn diện các điểm tích cực, xác định rõ các điểm nghẽn và đề ra giải pháp cụ thể để cải thiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tích cực tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ một số điểm nghẽn trong thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư các dự án, nhất là các bất cập do quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng; thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án; cấp giấy phép đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tỉnh Hải Dương cũng sẽ công bố công khai quy hoạch tỉnh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch; xây dựng phần mềm quản lý quy hoạch và công khai các quy hoạch trên môi trường mạng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Hải Dương cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo chiều sâu, hướng đến các nhà đầu tư trọng điểm, có tiềm lực, uy tín trong và ngoài nước. Đồng thời, coi trọng thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ gắn với thực hiện các hoạt động hỗ trợ đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, xây dựng, ban hành và thực hiện tốt quy định về khuyến khích thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, Hải Dương tăng cường sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc cung cấp, phổ biến thông tin liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về: giảm giá thuê mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp, miễn giảm chi phí tư vấn pháp luật, miễn giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường, miễn giảm chi phí đào tạo nghề cho người lao động, bảo lãnh tín dụng.
Tỉnh cũng điều chỉnh cơ cấu đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu từ phía các doanh nghiệp, gắn với cơ cấu lại thị trường lao động. Đồng thời, yêu cầu nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp; gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong tổ chức đối thoại, nắm bắt, xử lý, tháo gỡ vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường an toàn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp…