Tuy nhiên năm nay, phần lớn diện tích vải của Thanh Hà đều bị mất mùa, vải sớm chỉ ước đạt 40 - 50%, vải chính vụ chỉ đạt khoảng 20 - 30% so với năm 2023. Người dân đang khẩn trương thu hoạch những cây vải đã chín nhưng sản lượng rất thấp.
Gia đình bà Phạm Thị Nhã, thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà đã trồng vải được trên 30 năm. Bà Nhã cho biết, gia đình bà đang thu hoạch vải sớm cung cấp ra thị trường. Với trên 50 gốc vải sớm, gia đình bà chỉ thu hoạch được 20% so với vụ vải năm trước. Vải mất mùa được cho là do thời tiết, năm nay vải nở hoa vào những ngày trời nồm nên tỷ lệ đậu quả thấp mặc dù gia đình đã cẩn thận chăm sóc cây vải theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ chuyên môn của xã, của huyện.
Cũng như gia đình bà Nhã, gia đình ông Lê Bá Phúc, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà cũng có gần 200 gốc vải lâu năm đang cho thu hoạch. Năm nay, vải của gia đình ông chỉ thu hoạch được khoảng 10% so với mọi năm.
Nguyên nhân mất mùa được ông Phúc cho rằng do thời tiết không thuận lợi. Những năm trước, thời gian cây vải trổ quả thời tiết nắng ráo, có thêm gió Đông. Năm nay, vườn vải của gia đình ông trổ quả vào đúng đợt gió nồm nên tỷ lệ đậu quả rất ít. Ông Nhã cho biết thêm, có thể chống sương, chống nấm, chống bệnh, còn thời tiết nồm thì không có cách nào khắc phục được. Năm 2023, gần 200 gốc vải cho ông thu nhập vài trăm triệu đồng, năm nay ước chỉ thu được khoảng 40 - 50 triệu đồng.
Nhiều thương lái thu mua vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và tiêu thụ trong cả nước đã đến tận vườn để thu mua vải nhưng lượng vải năm nay chỉ thu mua được 10 - 15% so với năm trước. Trung bình mỗi thương lái thu mua một ngày 30 - 40 tấn vải, nhưng năm nay chỉ thu mua được 5 - 6 tấn/ngày.
Xã Thanh Thủy là một trong những xã có diện tích trồng vải lớn ở huyện Thanh Hà. Toàn xã có trên 340 ha vải sớm và vải chính vụ. Ông Lê Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết, vải là cây trồng chính của người dân trong xã, vải sớm của xã ước đạt 60 - 70%, vải chính vụ và vải muộn chỉ ước đạt 20% so với mọi năm.
Trong thời gian chăm sóc vải, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện hướng dẫn người dân chăm sóc vải theo đúng quy trình, phun thuốc phòng dịch bệnh cũng như áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây vải từ lúc chuẩn bị ra hoa. Năm nay, do thời tiết thay đổi nên phần lớn diện tích vải của xã đều bị mất mùa.
Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà đánh giá sơ bộ sản lượng vải của huyện năm nay chỉ ước đạt bằng 50% của năm ngoái. Toàn huyện thu hoạch được khoảng trên 22 nghìn tấn. Người trồng vải thất thu trong vụ vải năm 2024.
Vải thiều là 1 trong 8 sản phẩm nông sản chủ lực của Hải Dương được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ chăm sóc theo quy trình VietGap, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Để nâng cao giá trị quả vải, từ đầu năm huyện Thanh Hà đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và tỉnh tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại để tiêu thụ vải thiều đi các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Malaysia, Hàn Quốc...
Hiện Thanh Hà có 500 ha vải được công nhận tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap. Năm nay, huyện tiếp tục duy trì 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu, 12 cơ sở đóng gói với 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép.
Năm 2024, toàn huyện Thanh Hà có 3.282 ha vải; trong đó, vải sớm khoảng 1.900 ha, còn lại là vải chính vụ.