Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng giao các sở, ngành chức năng tích cực phối hợp, kiểm tra, hướng dẫn địa phương hoàn thiện các thủ tục, đôn đốc triển khai dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phải đảm bảo chất lượng các công trình. Cùng đó, địa phương phải báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng và cam kết giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương giao UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh giao bổ sung có mục tiêu vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023 cho ngân sách cấp huyện, khẩn trương chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã trình HĐND cấp huyện, cấp xã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023. Đồng thời, điều chỉnh nguồn vốn tại quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cho phù hợp với mức vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, chủ đầu tư dự án và UBND cấp huyện thực hiện, trực tiếp chỉ đạo UBND cấp xã đôn đốc nhà thầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư dự án ở mức tối đa cao nhất, đảm bảo chất lượng công trình, khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, tạm ứng thanh toán, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn giao cho dự án trong năm 2023.
Riêng với trụ sở công an xã, ông Lưu Văn Bản yêu cầu công an tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương khẩn trương triển khai, sớm hoàn thành đề án “ Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc công an cấp xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030” theo đúng lộ trình.
“Các địa phương khi triển khai công việc mà thiếu sự phối hợp của sở, ngành chức năng phải báo cáo lãnh đạo tỉnh để xử lý, chỉ đạo kịp thời”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản nhấn mạnh.
Ngoài ra, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thủ tục về đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đồng thời, tập trung xác định nghĩa vụ tài chính và tổ chức thu tiền sử dụng đất với dự án đã được giao đất nhưng còn nợ tiền sử dụng đất, không chấp hành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, gắn với giải quyết dứt điểm vướng mắc trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương Nguyễn Hải Châu cho biết, Hải Dương đã giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 63%. Cụ thể, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Hải Dương là 7.511 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 3.958 tỷ đồng, đạt 52,7% (so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao là 5.804 tỷ đồng và đa giải ngân 3.661 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 63,1%).
Trong số đó, vốn ngân sách nhà nước là 7.455 tỷ đồng, đã giải ngân 3.56 tỷ đồng, đạt 53,1% (vốn cấp tỉnh là 4.099 tỷ đồng, đã giải ngân 1.861 tỷ đồng; vốn cấp huyện, cấp xã là 3.356 tỷ đồng, đã giải ngân 2.095 tỷ đồng). Vốn đầu tư công từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp cộng lập dành để đầu tư năm 2023 là 56,4 tỷ đồng và đã giải ngân được 2,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,5%.
Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Hải Dương còn 16 dự án cấp tỉnh chưa hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng; trong đó, tập trung vào các dự án giao thông đi qua các huyện, thị xã, thành phố như: đường trục Đông - Tây, đường trục Bắc - Nam, đường dẫn cầu Đồng Việt, đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33m kéo dài, đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, đường tỉnh 396 kéo dài, đường tỉnh 390, 391…