Đó là nhận định của đa số đại biểu đại diện cho các ban, ngành, địa phương liên quan, các doanh nghiệp và nhà đầu tư hạ tầng tại Hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đợt diễn tập phòng, chống COVID-19 theo mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" do Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức chiều 17/8.
Phân luồng, tách đối tượng
Ba doanh nghiệp trong Khu công nghiệp được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chọn thí điểm tổ chức diễn tập phòng, chống COVID-19 theo mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng, địa điểm diễn tập nơi lưu trú tập trung tại Trường Tiểu học Lê Lợi tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng; Công ty cổ phần luyện thép cao cấp Việt Nhật, địa điểm diễn tập tại nhà máy của Công ty cổ phần Luyện thép Cao cấp Việt Nhật, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên; Công ty trách nhiệm hữu hạn Regina Miracle International Việt Nam, địa điểm diễn tập tại Nhà máy E Công ty trách nhiệm hữu hạn Regina Miracle International Việt Nam tại Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên.
Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Bùi Ngọc Hải đánh giá, qua hơn 2 tuần diễn tập, ba doanh nghiệp được chọn thí điểm đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, phù hợp với từng đơn vị và có tính khả thi cao. Việc phòng, chống dịch tại tất cả khu vực, với mọi đối tượng được ưu tiên và duy trì thường xuyên, với phương châm "phòng hơn chống".
Cùng với đó, việc quản lý người lao động được chú trọng; có phân luồng phân tách đối tượng rõ ràng, điều kiện ăn ở sinh hoạt và sản xuất của công nhân đảm bảo chu đáo, an toàn. Hoạt động giám sát, quản lý trực tiếp và phối hợp quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, doanh nghiệp và địa phương diễn ra nhịp nhàng.
Trong suốt quá trình triển khai, người lao động tham gia diễn tập đa số đồng thuận, nhất trí đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn; tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp đã có tinh thần trách nhiệm, ý thức cao; có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ trong triển khai kế hoạch diễn tập. Các điều kiện cơ sở vật chất cho người lao động được quan tâm, theo dõi thường xuyên, điều chỉnh kịp thời để phục vụ tốt nhất cho người lao động.
Các doanh nghiệp cũng đã xây dựng được kế hoạch chi tiết tổ chức lưu trú tập trung để đi làm trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các kịch bản ứng phó tại nơi lưu trú tập trung. Đợt diễn tập cũng là cơ hội để doanh nghiệp đánh giá toàn diện, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phương án, nâng cao tính chủ động để có thể sẵn sàng triển khai phương án khi có yêu cầu.
Trong quá trình diễn tập, dù gặp phải một số khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu kết hợp với thời tiết nắng nóng mấy ngày qua gây ảnh hưởng nhất định đến một bộ phận người lao động nhưng việc này đã được các doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Việc bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường được duy trì trong suốt thời gian diễn tập.
Lập nhóm các doanh nghiệp
Một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện áp dụng mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" sẽ khiến các doanh nghiệp phát sinh một số chi phí như: chi phí sinh hoạt hàng ngày của người lao động, chi phí xét nghiệm, điện, nước… Ngoài ra, để đảm bảo ổn định tâm lý cho người lao động, một số công ty còn đề xuất có các hình thức thưởng, động viên cho người lao động.
Cùng đó, việc ăn ngủ, nghỉ tại chỗ trong điều kiện sinh hoạt còn hạn chế sẽ khiến người lao động không thoải mái như ở bên ngoài, lâu dần sẽ có tác động không tốt đến tâm lý người lao động.
Dù hoạt động phòng, chống dịch tại các công ty diễn ra hết sức nghiêm túc, chặt chẽ nhưng vẫn còn tồn tại nguy cơ tại một số khu vực như: các khu vực cổng ra, vào; khu vực giành cho phương tiện khi vào công ty xuất, nhập hàng hóa, nguyên vật liệu, nhu yếu phẩm. Nhất là đối với các trường hợp như: lái xe, người cung cấp nguyên vật liệu, nhu yếu phẩm, người lao động được tuyển dụng mới, nhân viên của công ty thường xuyên giao dịch, tiếp xúc với bên ngoài, chưa kiểm soát hết.
Theo đại diện của Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, VSIP Hải Phòng lập ra nhóm các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chia sẻ đầy đủ những thông tin liên quan đến thực hiện áp dụng mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến".
VSIP luôn nhắc nhở các doanh nghiệp suy xét kỹ các điều kiện trước khi áp dụng các mô hình này. Bởi, nếu như trường hợp tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp cố tình làm mà không đáp ứng được các điều kiện thì sẽ xảy ra những việc nghiêm trọng hơn.
VSIP Hải Phòng là khu công nghiệp mở có rất nhiều lối đi ra, đi vào, nguy cơ tiềm ẩn rất cao. Do đó, VSIP Hải Phòng mong muốn hợp tác với tất cả cơ quan chức năng của thành phố cũng như huyện Thủy Nguyên để cùng hỗ trợ hiệu quả trong hoạt động đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh của toàn khu công nghiệp.
Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Regina Miracle International Việt Nam Nguyễn Thị Thoa chia sẻ, doanh nghiệp có khoảng 36.000 người lao động đang làm việc. Doanh nghiệp luôn đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch cũng như đảm bảo sản xuất tốt nhất có thể. Tuy nhiên, với việc thực hiện áp dụng mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến", các chi phát sinh rất nhiều, tâm lý người lao động không ổn định thì hiệu quả lao động rất thấp.
Thực tế, khi chi phí tăng lên, hiệu quả thấp thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng... Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn thành phố Hải Phòng, các ban, ngành liên quan tâm, ưu tiên sớm được tiêm vaccine phòng COVID-19 tới tất cả cán bộ, công nhân viên, đảm bảo vừa chống dịch tốt vừa phát triển sản xuất, ổn định doanh nghiệp.
Đi trước một bước
Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên đánh giá cao sự nỗ lực của ba doanh nghiệp trong thực hiện áp dụng thí điểm mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến". Diễn tập đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng, đảm bảo mục tiêu hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch COVID-19. Diễn tập với tinh thần làm như thật, phòng hơn chống đã đáp ứng yêu cầu Thường trực Thành ủy Hải Phòng đề ra.
Từ kết quả diễn tập, các doanh nghiệp sẽ rà soát lại, hình thành các vùng xanh trong nhà máy, khu công nghiệp, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố. Việc kiểm soát công nhân phải diễn ra chặt chẽ, vừa giữ được công nhân, vừa phòng chống dịch. Thành phố tiếp tục cho thí điểm rộng hơn tại Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng.
Đối với kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Lê Trung Kiên khẳng định sẽ sớm đề xuất với UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế. Đồng thời, xem xét chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thực hiện lưu trú tập trung để sản xuất.
Riêng các công ty có số lượng lao động lớn, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đề xuất áp dụng linh hoạt và kết hợp các mô hình: vẫn thực hiện nghiêm "3 tại chỗ"; điều chỉnh chính sách "1 cung đường - 2 điểm đến" thành "1 cung đường - các điểm đến" khi cho phép công nhân đươc lưu trú ở các điểm tập trung khác nhau, doanh nghiệp tổ chức lực lượng bảo vệ và giám sát tại tất cả các điểm; tổ chức xe đón tại các điểm nhưng tuyệt đối không dừng ngoài các điểm đăng ký.
UBND thành phố cũng cho phép và hướng dẫn, tập huấn cho doanh nghiệp tự xét nghiệm với điều kiện phải mua test kit COVID trong danh mục của Bộ Y tế; cho phép khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ xét nghiệm cho doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp...
"Mục tiêu cuối cùng là hạn chế tối đa dịch bệnh và luôn đi trước một bước trong phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh, giữ gìn khu công nghiệp xanh, doanh nghiệp xanh và công nhân xanh", ông Lê Trung Kiên nói.
Hải Phòng là địa phương tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác trong 7 tháng qua. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP tăng 13,52% so với cùng kỳ năm 2020, gấp 2,4 lần mức tăng trưởng chung của cả nước (5,64%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2020, gấp 2,2 lần mức tăng chung của cả nước (9,27%).