Mảnh đất đang từng ngày phát triển này là thành quả đồng hành, cùng vượt qua những nhọc nhằn của đồng bào và chính quyền địa phương, cùng cán bộ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) trong cuộc chiến chống đói nghèo, giữ gìn và dựng xây mảnh đất phên dậu của Tổ quốc.
Bài hát “Em đi làm tín dụng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không chỉ là hồi ức của những cán bộ tín dụng Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng những năm 70, mà vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Để có thể “mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ”, phát triển kinh tế, giảm nghèo, cán bộ tín dụng NHCSXH vẫn “sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ tín dụng đã lên đường”. Họ đi làm không phân biệt ngày thường hay thứ 7, chủ nhật. Cứ đến phiên giao dịch là lên đường, mang vốn xuống xã cho bà con kịp triển khai sản xuất, nuôi trồng. Cùng với cơ sở hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện, nối gần Điện Biên với miền xuôi và bắc nhịp cho kinh tế thị trường chạm tới mọi rẻo cao, tín dụng chính sách đã và đang thúc đẩy tư duy làm ăn mới của đồng bào, giúp nhiều bản làng thay da đổi thịt.
Tạ đại bản doanh đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ - huyện Mường Ảng, từ đỉnh đèo Tằng Quái nhìn về thung lũng Mường Ảng là bát ngát màu xanh của cà phê và mắc ca. Ngay cả ở Tát Hẹ - bản nghèo nhất của xã Ẳng Nưa, những mảnh đồi trọc vốn chỉ trồng ngô sắn, giờ đã thành vườn cà phê tươi tốt.
Vay vốn tín dụng từ năm 2009 với 5 triệu đồng để mua bò sinh sản, song với quy mô chăn nuôi nhỏ, lại trong điều kiện khó khăn, nên đến năm 2016, dù vay thêm vòng vốn nữa với 50 triệu đồng, tăng đàn lên 4 con, câu chuyện thoát nghèo với gia đình anh Vàng A Đa, ở bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng vấn chưa thấy ngày tới đích.
Chính bởi vậy, khi manh nha thấy cây cà phê có thể trồng ở nhiều địa bàn Tây Bắc như quê hương mình, anh Vàng A Đa quyết tâm trở thành một trong những người đầu tiên bỏ vườn ngô để trồng cà phê, trong sự nghi ngại của cả bản. Bán bớt bò đi lấy vốn, học hỏi kỹ thuật, mua cây giống đầu tư trồng cà phê. Lại vừa nuôi bò để lấy ngắn nuôi dài, sự dám nghĩ dám làm của Vàng A Đa đã được đền đáp xứng đáng, khi chỉ hơn hai năm sau gia đình anh đã thoát nghèo. Tấm gương làm kinh tế của anh Vàng A Đa đã được cả bản học theo. Cả bản giờ không có nhà nào trồng ngô và lúa, hơn một nửa bản Tát Hẹ sẽ ra khỏi danh sách hộ nghèo trong năm 2024.
Còn với bà Nguyễn Thị Ngọc, ở thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng, việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình bà trở thành hộ đầu tiên trồng bưởi ở đây. Ban đầu trồng 1 ha bưởi, rồi dần dần có tích lũy, lấy ngắn nuôi dài, gia đình mở rộng lên 2 ha và hiện đã có 5 ha bưởi Diễn. Ở đâu bưởi được mùa mất giá, nhưng ở vườn của bà Ngọc nhờ cách trồng hữu cơ, nên vụ mùa qua bưởi vẫn đều đều lên xe về xuôi. Mỗi năm cả bưởi và cà phê mang lại cho vợ chồng bà thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Bí thư Huyện ủy Mường Ảng, ông Nguyễn Tiến Đạt, cho biết: Những năm qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND các cấp phối hợp cùng NHCSXH triển khai tốt tín dụng chính sách xã hội để hộ nghèo và các đối tượng khác được tiếp cận các nguồn vốn. Qua đó, giúp các hộ gia đình giải quyết công ăn việc làm; đặc biệt là đầu tư trồng cây cà phê, mắc ca, mang lại giá trị cao. Đây cũng là một trong những nền tảng để Mường Ảng hướng tới mục tiêu thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào năm 2025.
Cũng như Mường Ảng, người dân các huyện, thị của tỉnh Điện Biên cũng đang dốc sức phát triển kinh tế. Cùng với những định hướng phát triển kinh tế của địa phương, từng hộ nghèo, cận nghèo, thậm chí mới thoát nghèo đều được cán bộ NHCSXH cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tư vấn, hỗ trợ, từ việc lựa chọn sinh kế để giảm nghèo cho đến chu kỳ vay vốn ngắn hạn và dài hạn phù hợp với vật nuôi, cây trồng. Phối hợp với các Sở, ban ngành và tổ chức chính trị - xã hội hội đưa kỹ thuật công nghệ vào nuôi trồng nâng cao năng suất thu nhập cho hộ vay.
Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT-TW, chi nhánh NHCSXH tỉnh và các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện đều đã chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh để đẩy nhanh công tác cho vay giảm nghèo, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, việc HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh mỗi năm chuyển 20 tỷ đồng và các huyện chuyển tối thiểu 0,1% tổng thu ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tạo nên bước đột phá trong việc phát triển nguồn vốn và tăng độ phủ chiều sâu tín dụng chính sách trên địa bàn.
Đến ngày 31/3/2024, nguồn vốn huy động của chi nhánh đạt hơn 4.799 tỷ đồng, tăng hơn 123 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 2,6%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương đạt hơn 102 tỷ đồng, tăng hơn 33 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch. Nguồn vốn tín dụng chính sách đang hỗ trợ 78.874 người nghèo và đối tượng chính sách phát triển kinh tế với tổng dư nợ đạt trên 4.787 tỷ đồng, tăng trên 117,4 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 2,51%; bình quân dư nợ 60,7 triệu đồng/hộ/năm. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay các chương trình tín dụng của chi nhánh đạt hơn 4,4 tỷ đồng với 6.761 lượt khách hàng vay vốn.
Những nỗ lực của chi nhánh NHCSXH tỉnh đã góp phần đưa Điện Biên đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp 24/63 tỉnh, thành trong cả nước năm 2022. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang. Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết; 56/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 18 xã so với năm 2020, tương đương 48,7% số xã, vượt 3,7% mục tiêu Nghị quyết. Toàn tỉnh có thêm 30 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 120 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo theo Quyết định 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm; GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng, năng suất lao động đạt 190 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%.
Đây vẫn là một thách thức lớn với tỉnh, khi Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi Tây Bắc, kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (năm 2023: 25,%). Tỉnh có có 10 huyện, thị, thành phố thì có đến 7 huyện nghèo, 126/129 xã, phường, thị trấn thuộc vùng ĐBDTTS&MN, 92 xã đặc biệt khó khăn, 29 xã biên giới. Các huyện nghèo hầu hết đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% và trên 40%.
Hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh vẫn còn chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống cấp điện sinh hoạt. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được xem là hướng đi cho người dân, song ở mảnh đất cực Tây nối tiếng với “nắng Suổi Hó, gió Tây Trang”, lợi thế này cũng không dễ phát huy khi phụ thuộc vào thiên nhiên.
Bởi vậy, công cuộc giảm nghèo của Điện Biên vẫn là một hành trình dài đòi hỏi sự quyết tâm không chỉ của người dân, mà còn cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị xã hội trên địa bàn.
Trong hành trình đó, với vai trò là cánh tay nối dài của Chính phủ và chính quyền địa phương, hỗ trợ trực tiếp người dân vốn phát triển kinh tế, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh, ông Hoàng Ngọc Thương, cho biết: Chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong đó, tăng cường vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chi nhánh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời các chương trình tín dụng chính sách xã hội phù hợp và góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, các chương trình an sinh xã hội của tỉnh; đảm bảo các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn, quản lý và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, tạo đà cho Điện Biên phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững.