Gia đình ông Trần Chạy (khu dân cư Số 7, thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) có 500m2 đất nông nghiệp, mỗi năm trồng một vụ tỏi Đông Xuân. Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn nước tưới, lại bị ảnh hưởng của mưa, bão, nên sản lượng tỏi năm được, năm mất. Nhiều năm qua, gia đình ông Chạy vẫn chưa thoát khỏi nhóm hộ nghèo trong khu dân cư.
Năm 2023, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, ông Chạy được huyện hỗ trợ 120kg hành tím giống (trị giá 6 triệu đồng). Ông cho biết, sau khi thu hoạch xong tỏi, gia đình ông đã làm đất trồng hành tím. Chăm sóc sau 3 tháng đã thu hoạch được 8 tạ hành tím, với giá bán 33.000 đồng/kg, gia đình ông có thu nhập gần 30 triệu đồng.
“Cùng một diện tích đất, nhưng lâu nay mình không có vốn để đầu tư, với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về nguồn hành giống, gia đình có tư liệu sản xuất, mỗi năm gia đình tôi trồng thêm được 2 vụ hành, góp phần gia tăng giá trị sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực chăm sóc cây hành để có nguồn thu nhập vươn lên thoát nghèo”, ông Chạy nói.
Huyện Lý Sơn có 300ha đất sản xuất nông nghiệp, trước đây người dân, trong huyện chỉ sản xuất 1 vụ tỏi và trồng cây màu. Những năm gần đây, nhiều hộ đã gia tăng sản xuất thêm 2-3 vụ hành tím, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập.
Bà Dương Thị Hoàng Dung, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội - Y tế huyện Lý Sơn cho biết, năm 2023, từ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ủy ban nhân dân huyện đã hỗ trợ giống hành tím cho 254 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Với cây giống hành tím được cấp, bà con có tư liệu sản xuất, có vốn quay vòng tiếp tục trồng các vụ sau. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện, giúp người dân có sinh kế giảm nghèo bền vững.
Lý Sơn nằm trong danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong các năm 2022-2024, huyện được phân bổ hơn 58 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong đó ngân sách Trung ương hơn 51 tỷ đồng. Đến tháng 6/2024, Lý Sơn đã thực hiện giải ngân đạt hơn 42 tỷ đồng. Trong đó, huyện đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo 36 dự án, công trình, trong đó có 19 công trình đường giao thông, kênh mương nội đồng...
Huyện tổ chức nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp tại các trường đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Huyện tổ chức phiên giao dịch việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối cho người lao động, ưu tiên cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Lý Sơn cũng đẩy mạnh truyền thông công tác giảm nghèo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, ông Lê Văn Ninh cho biết, qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống Nhân dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo được nâng lên; chế độ chính sách vùng bãi ngang ven biển đối với học sinh, sinh viên, người dân cũng được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng quy định. Hiệu quả lớn nhất từ chương trình là tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất, nâng cao mức sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Lý Sơn có 6.170 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo ở Lý Sơn cũng đã giảm xuống so với trước, năm 2023, hộ nghèo ở Lý Sơn còn 404 hộ (chiếm 6,55%), cận nghèo còn 263 hộ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh, qua rà soát tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn ở mức trung bình khá. Huyện đang gặp khó trong việc tiếp tục đẩy nhanh giảm thêm tỷ lệ hộ nghèo. Để thực hiện đúng mục tiêu giảm nghèo, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phân loại hộ nghèo. Đối với hộ nghèo có khả năng lao động, huyện sẽ có giải pháp hỗ trợ người dân có tư liệu sản xuất, vốn sản xuất để tập trung sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững.
Huyện cũng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự vươn lên thoát nghèo bền vững; chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng. Bên cạnh đó, Lý Sơn tăng cường đào tạo nghề, tư vấn cho người dân học các ngành nghề dịch vụ, du lịch, tạo nguồn lao động du lịch chất lượng để phát triển kinh tế du lịch thành ngành mũi nhọn./.