Ông Lương Thanh Tuyền, ở Bản Chà Coong, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương cho biết: "Năm 2020, sau khi đã thoát hộ nghèo vươn lên hộ cận nghèo, tôi tiếp tục được tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) bình xét cho vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư mở rộng vào phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Không dừng lại ở đó, năm 2021, tôi thuê thêm 12.000 m2 đất để mở rộng diện tích chè công nghiệp với tổng diện tích chè hiện tại của gia đình tôi là 17.000 m2 đã được thu hoạch, trung bình thu được 8 tấn chè mỗi vụ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, gia đình tôi còn có 2 con trâu, 3 con bò, 1.200 m2 ao cá, 1 ha rừng lấy gỗ. Quá trình đó, gia đình tôi được sự quan tâm của Tổ chức hội, cán bộ tổ TK&VV động viên, quan tâm tạo điều kiện cũng như kiểm tra thường xuyên việc sử dụng vốn vay đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cải tạo mô hình vườn cây ăn quả. Đến nay, sau thời gian dài bỏ vốn liếng và công sức chăm sóc vun trồng, vườn cây ăn quả của gia đình tôi đã cho thu hoạch ổn định, mỗi năm thu gần 10 tấn cam và bưởi thu về hơn 200 triệu đồng/năm. Như vậy, nhờ nguồn vốn vay ban đầu, gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, có tiền tích lũy thêm và sửa sang lại nhà cửa khang trang hơn, mua thêm nhiều đồ dùng và máy móc nông cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt gia đình như: máy bơm tưới chè, máy cày xới, phay cỏ và máy cắt cỏ".
Còn ông Nguyễn Công Dương, ở thôn 4, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, thuộc diện hộ nghèo từ năm 2014. Gia đình có 7 thành viên (2 vợ chồng, 3 người con, mẹ già, bố bị bệnh nan y), làm nông nghiệp, 3 người con đang đi học, nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông Dương tâm sự: "Với điều kiện gia đình khó khăn lại phải chi phí cho 3 người con đang đi học, và thuốc thang cho bố bị bệnh, tôi luôn phải xoay xở làm ăn. Nhờ chủ trương dồn điền đổi thửa, tôi có ý tưởng xây dựng trang trại nhưng thiếu vốn để thực hiện. Tôi đã mạnh dạn vốn vay chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm số tiền 30 triệu đồng do Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Chương thực hiện và vay thêm 10 triệu đồng quỹ hội Nông dân xã. Đến nay, trang trại cho tôi thu nhập từ chăn nuôi lợn, cá khoảng 40 triệu đồng. Nhờ đó cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn. Ngoài việc trả lãi hàng tháng, lo thuốc thang cho bố, gia đình tôi cũng tích góp được chút ít, có điều kiện cho các cháu ăn học tốt hơn. Đến năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Năm 2021, ông Dương tiếp tục nâng mức vay lên nâng lên 100 triệu đồng để mở rộng quy mô trang trại nuôi thêm lợn, gà, trâu bò. Đến nay, trang trại của ông Dương cho thu thu nhập đáng kể.
Bà Trần Thị Mai Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương cho biết: Việc đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Chủ động xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tiếp cận nắm bắt nhu cầu, tư vấn hướng dẫn cho người dân vay vốn. Đồng hành 20 năm hoạt động, doanh số cho vay của 19 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương trên 2.573 tỷ đồng với gần 94.8 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Đến nay, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 750.111 triệu đồng. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi một cách kịp thời, dễ dàng, thuận lợi. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã và hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất, cách sử dụng đồng vốn hiệu quả gắn với các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương.
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương tiếp tục đảm bảo cung cấp dịch vụ tới 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện trong các năm tiếp theo; tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm 6 - 8%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%, hiệu suất sử dụng vốn đạt 99%, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,06%. Đồng thời, đảm bảo chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn để chuyển tải kịp thời có hiệu quả, chất lượng vốn tín dụng chính sách xã hội đến các đối tượng thụ hưởng.