Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế đã phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Một trong những mô hình đó là phát triển sản xuất theo nhiệm vụ (mô hình hỗ trợ sinh kế theo nhu cầu thực tiễn của người dân) đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua.
Theo ông Trần Tấn Quang, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Pleiku, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các xã, phường cụ thể hóa các hoạt động hỗ trợ sinh kế. Tính đến nay, đã có 104 hộ nghèo, 135 hộ cận nghèo và 25 hộ mới thoát nghèo; trong đó, có 178 hộ đồng bào thiểu số được hỗ trợ) được hỗ trợ lợn giống, bò cái lai sinh sản, các thiết bị sản xuất như máy cắt cỏ, máy bơm nước, máy phun thuốc, máy xới đất... với tổng kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng.
"Dự án trao sinh kế này nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố Pleiku đã được triển khai ngay khi có nguồn vốn. Dự án này không chỉ giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế phù hợp, mà còn trang bị thêm các thiết bị sản xuất để cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và làm thuê để tạo thêm thu nhập cải thiện đời sống", ông Quang chia sẻ thêm.
Xã Chư Á là một trong những địa phương mà đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 78% dân số, tỷ lệ hộ nghèo gặp khó khăn về kinh tế còn cao. Theo bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND xã, tính đến cuối năm 2021, xã vẫn còn tới 55 hộ nghèo và 58 hộ cận nghèo. Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, trong đó ưu tiên tận dụng mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án, mô hình sinh kế để hỗ trợ người dân sản xuất và kinh doanh.
Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2023, xã đã cấp 42 con bò cho các hộ nghèo, hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề nghiệp cho 10 hộ và cho 8 hộ vay vốn ưu đãi. Riêng năm 2024, xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi 8 hộ, với tổng số tiền 330 triệu đồng. Nhờ đó, tính từ đầu năm 2023 đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại xã đã giảm từ 2,14% xuống còn 1,58%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 2,27% xuống còn 1,78%.
Gia đình bà H’Sák, sinh năm 1963, ở làng Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleiku, là một minh chứng tiêu biểu cho sự thành công của mô hình hỗ trợ sinh kế. Nhờ được hỗ trợ một con bò lai sinh sản từ "Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" vào năm 2022, gia đình bà H’Sák đã có cơ hội phát triển chăn nuôi và cải thiện đáng kể cuộc sống.
Bà H’Sák chia sẻ, gia đình bà có 7 thành viên, chồng vừa mới qua đời cách đây không lâu do bệnh tật, bản thân bà phải chăm sóc thêm em chồng bị bại liệt bẩm sinh... vì vậy kinh tế gia đình rất khó khăn, chủ yếu dựa vào thu nhập chính từ việc làm thuê. Sau khi nhận bò và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đến tháng 6/2024, bà H’Sák đã gây đàn thành công và có thêm một bê con ra đời. Điều này đã mang lại nềm vui và mở ra hy vọng mới cho gia đình bà trong hành trình thoát nghèo.
Cũng có hoàn cảnh tương tự, chị Trần Thị Phượng ở thôn 4, xã Trà Đa, rất phấn khởi khi được chính quyền địa phương và mạnh thường quân hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới khang trang vào năm 2018. Không chỉ dừng lại ở đó, cuối năm 2023, gia đình chị còn được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ thêm máy đào đất để phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và tạo thêm thu nhập từ việc làm thuê.
Ông Lê Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đa, cho biết: Gia đình chị Trần Thị Phượng là một trong 5 hộ nghèo có hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên địa bàn, đã được chính quyền và các đoàn thể quan tâm hỗ trợ để vượt qua khó khăn, mặc cảm ban đầu. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào cuối năm 2023, xã Trà Đa không còn hộ nghèo, chỉ còn 11 hộ cận nghèo trong tổng số 1.525 hộ, chiếm tỷ lệ 0,72%".
Ông Trần Tấn Quang, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Pleiku, cho biết: Với vai trò là đơn vị phối hợp và trực tiếp triển khai các chỉ đạo của thành phố về hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, thời gian tới, Phòng Kinh tế thành phố sẽ tiếp tục cùng với UBND các xã, phường và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình sinh kế đa dạng hơn, phù hợp với thực tiễn đời sống và sản xuất của người dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.