Hiện nay, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình đang triển khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Gạo quê Đại tướng” tại Cục sở hữu trí tuệ. Loại gạo QS88 sẽ là sản phẩm gạo đầu tiên do công ty sản xuất mang thương hiệu “Gạo quê Đại tướng”.
Vụ Đông Xuân 2021-2022, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình phối hợp với huyện Lệ Thủy tổ chức mô hình liên kết sản xuất sử dụng giống lúa QS88 gắn với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hơn 500 hecta tại các xã của huyện Lệ Thủy.
Giống lúa QS88 có thời gian sinh trưởng từ 125 - 130 ngày đối với vụ Đông Xuân; năng suất khá cao, ổn định từ 75 - 80 tạ/ha; hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 20 đến 30% so với các giống khác.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình cho biết, với việc đưa giống lúa mới QS88 vào sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm, đầu vụ Công ty đã đảm bảo cung ứng 100% giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con canh tác theo phương pháp hữu cơ. Đến thời điểm thu hoạch, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm lúa tươi ngay tại ruộng cho bà con.
Kết quả cho thấy, cây lúa có khả năng chống chịu rét tốt, không đổ ngã, chưa thấy xuất hiện các loại sâu bệnh hại chính. Chất lượng gạo thuộc nhóm lúa thơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Mai Ngọc Dương, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ đã canh tác theo phương pháp hữu cơ giống lúa mới QS 88 do Công ty Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng năng suất lúa vẫn đạt khoảng 66 tạ/ha, cao hơn gần 6tạ so với các giống lúa khác ông gieo trồng các mùa vụ trước.
Ông Dương cho biết: “Khi canh tác giống GS88, so với những năm trước thì mùa vụ năm nay tăng hơn 50 đến 60kg/sào, lợi nhuận tăng từ 15 đến 20%”.
Để thực hiện mô hình liên kết sản xuất, các hợp tác xã luôn là trung gian để thực hiện các khâu trong liên kết. Qua đó đảm bảo cho các thành viên đảm bảo lợi ích cũng ổn định giá khi bán sản phẩm.
Theo ông Đặng Ngọc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy, năm nay thời tiết gặp bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên đối với giống lúa GS88 này thì sâu bệnh rất hạn chế nên đó cũng là tiền đề cho sản xuất vụ sau.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 500 hecta thực hiện mô hình giống lúa này cho năng suất rất hiệu quả, người nông dân cũng yên tâm sản xuất và khắc phục được tình trạng được mùa nhưng đầu ra khó. Nếu mô hình này tiếp tục được mở rộng thì sẽ rất hiệu quả trong xản xuất nông nghiệp và hiệu quả từ liên kết doanh nghiệp – người nông dân – chính quyền.
Với mục tiêu liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn cho thương hiệu Gạo quê Đại tướng, thời gian tới, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình sẽ tiếp tục phối hợp với huyện Lệ Thuỷ mở rộng diện tích canh tác giống lúa QS88 theo phương pháp hữu cơ.
Với kết quả khả quan từ giống lúa GS88, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình đã thực hiện quy trình chế biến gạo, đóng gói nhãn hiệu theo hệ thống các tiêu chuẩn quy định trong nước cũng như các thị trường xuất khẩu; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Gạo quê Đại Tướng…
"Chúng tôi đã và đang xây dựng nhãn hiệu “Gạo quê Đại tướng”. Cục sở hữu trí tuệ tiếp nhận đơn đăng ký nhã hiệu, hy vọng một vài tháng nữa sẽ có nhãn hiệu này và chúng tôi sẽ phát triển nhãn hiệu gạo này trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước", ông Nguyễn Xuân Kỳ nhấn mạnh.