Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều nông sản của người dân rơi vào tình trạng được mùa, mất giá, thậm chí có nhiều nơi người dân không thu hái vì tiểu thương thu mua cầm chừng. Thị xã Đông Triều là một trong những địa phương có diện tích trồng vải thiều lớn của tỉnh Quảng Ninh và đang vào giai đoạn thu hoạch. Tuy khó khăn do dịch bệnh khiến giá vải sụt giảm hơn những năm trước nhưng người dân ở Đông Triều vẫn may mắn khi quả vải vẫn còn có đầu ra.
Nhanh tay thu hái những chùm vải thiều căng mọng, bà Dịch Thị Xuân thôn Trại Dọc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều cho biết, vụ vải này được mùa, trái sai, mọng nước, không bị sâu đầu. Do gia đình không có người vận chuyển ra các chủ vựa thu mua nên gọi xe vào tận vườn để bốc hàng. Giá thu mua tại vườn dao động từ 6.500 - 7.000 đồng/kg, nếu tự chở đi bán thì giá sẽ cao hơn một chút.
Nhà bà Xuân trồng trên 50 gốc vải, năm nay được mùa nên bình quân đạt hơn 70 kg/gốc, có gốc to thì được 100 kg. Đợt vải chín sớm giá cũng được từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Giờ cuối vụ nên giá thấp hơn, nhưng so với nhiều nơi và nhiều nông sản khác thì vải thiều vẫn tiêu thụ được, không bị thương lái ép giá là may mắn rồi. Có bao nhiêu, thương lái đều thu mua hết - bà Xuân khoe.
Những ngày đầu tháng 6, dọc tuyến đường chính của xã Bình Khê có khá nhiều xe tải trọng tải từ 1 tấn tập kết, thu mua vải cho bà con. Giá mua dao động từ 4.000 - 9.000 đồng/kg. Theo các thương lái, giá thu mua phụ thuộc vào loại vải. Đối với vải loại 1, loại đẹp có thể thu mua 9.000 đồng/kg. Đối với vải vỏ bị đen, chất lượng kém hơn sẽ được thu mua với giá khoảng 4.000 đồng/kg.
Tại cơ sở thu mua vải của bà Phan Thị Khánh, khu Trại Thông xã Bình Khê, từ đầu mùa đến nay vẫn giữ giá từ 6.000 - 9.000 đồng/kg, tùy chất lượng, mẫu mã quả. Năm nay, vì dịch COVID-19 nên giá hạ, người trồng và tiểu thương đều gặp khó khăn vì bán chậm. Nhưng cơ sở của bà Khánh vẫn thu mua đều đặn cho người dân.
Để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ vải, chính quyền xã cũng thường xuyên xuống kiểm tra, theo dõi tình hình, nắm bắt biển số xe chở vải để hướng dẫn yêu cầu phòng chống dịch, tạo điều kiện thông thương - bà Khánh cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Khê cho biết, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho lái xe, thương lái qua chốt kiểm dịch để vào địa bàn tiêu thụ vải cho bà con với phương châm vừa bán được vải, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Địa phương cũng thông báo cho các cơ sở thu mua chủ động báo chủ phương tiện thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi vào tỉnh Quảng Ninh. Sản lượng vải còn lại sẽ được duy trì mức giá như hiện tại để giảm bớt khó khăn cho người nông dân.
Hiện xã Bình Khê có khoảng trên 150 ha vải thiều; trong đó có 95 ha vải chín sớm. Bình Khê cũng là xã diện tích trồng vải lớn trong tỉnh, sản lượng đạt từ 35 - 40 tấn/ha, toàn vụ đạt khoảng 600 tấn, tăng hơn so với năm 2020. Trong số đó, xã Bình Khê có khoảng 100 ha diện tích vải được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, còn lại một số được bà con tận dụng trồng trên các triền núi hoặc phân tán nhỏ lẻ.
Quảng Ninh có khoảng 1.000 ha vải tập trung ở thị xã Đông Triều và thành phố Uông Bí. Đến thời điểm này, số lượng vải thu hoạch đã đạt khoảng trên 60%. Quảng Ninh không cấm các xe đông lạnh, xe container vào thu mua vải, song để đảm bảo cho mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, các tài xế cần có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được qua chốt kiểm soát dịch.