Để thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Ưu tiên thực hiện chính sách dân tộc
Theo ông Hà Tuấn Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mai Châu, địa phương là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Hoa. Công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc luôn được huyện xác định là nhiệm vụ ưu tiên, quan tâm triển khai. Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, địa phương đã huy động các nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Huyện đã ban hành các chính sách; đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích người dân phát huy nội lực để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Huyện cũng triển khai đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chương trình, nghị quyết, chính sách liên quan như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn... Năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, địa phương đã phân bổ được hơn 40 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, gần 54 tỷ đồng vốn sự nghiệp.
Ông Hà Tuấn Hải cho biết thêm, năm 2023, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn I (2021 - 2023) Khu tái định cư Táu Nà (xã Cun Pheo), Khu tái định cư xóm Suối Nhúng (xã Sơn Thủy); hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho khoảng 1.000 hộ dân với tổng số tiền 3 tỷ đồng; thực hiện 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho khoảng 300 hộ tại 2 xã Thành Sơn và Sơn Thủy. Địa phương hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 50 hộ với tổng số tiền 500 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,45% (toàn huyện còn 17,14%).
Là một trong những gia đình có mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng hiệu quả, bà Đinh Thị Miên (xóm Hịch 2, xã Mai Hịch) chia sẻ, trước đây, gia đình bà thuộc hộ nghèo của xã. Được sự hỗ trợ, kết nối của đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương, gia đình bà được vay vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Cùng với số tiền vay mượn thêm từ người thân và bạn bè, bà đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn giống theo hình thức vừa chăn nuôi, vừa mở rộng quy mô. Đến nay, gia đình bà đã có mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng với đàn gà trên 200 con, duy trì nuôi trên 20 con lợn thịt và ao thả cá 200 m2.
Nhờ được hướng dẫn khoa học kỹ thuật trước khi xây dựng mô hình nên đàn vật nuôi của gia đình bà Miên phát triển tốt, đảm bảo các yêu cầu, chất lượng trước khi xuất chuồng. Từ mô hình này, mỗi năm, thu nhập của gia đình bà khoảng 100 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo.
Tạo sinh kế bền vững cho người dân
Theo bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện, tỉnh đã tập trung triển khai các tiểu dự án trong vùng đồng bào; đặc biệt, quan tâm hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong đồng bào dân tộc đúng trường hợp và theo quy định. Từ năm 2021 đến nay, Hòa Bình đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 2.300 hộ với số tiền 23 tỷ đồng.
Thông qua Chương trình, các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo khó khăn trên địa bàn được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và từng bước thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2021 - 2023) là 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 6,39%/năm.
Bà Đinh Thị Thảo cho biết thêm, để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách về hỗ trợ nhà ở cho người dân; rà soát, tính toán lại để đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách. Địa phương quan tâm, tạo sinh kế bền vững cho người dân, phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục; tập trung giải ngân nguồn vốn Trung ương và địa phương đảm bảo đúng quy định, hiệu quả, tránh gây lãng phí hoặc không phù hợp với thực tế...