Những sai sót về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng... liên tiếp diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xây dựng dự án và đời sống nhân dân.
Nhiều năm dang dở
Theo đồ án quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 439/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung phành phố Hòa Bình đến năm 2035 được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 3112/QĐ-UBND ngày 28/12/2018, thì Khu văn hóa tâm linh Chùa Phật Quang tự được UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý chủ trương với diện tích khoảng 12,5ha, giao cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư.
Tại giai đoạn 1, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định Quyết định số 1167/QĐ-UBND ngày 17/5/2007 thu hồi 3ha; tiếp đó ngày 7/10/2009, UBND tỉnh đồng ý chủ trương thu hồi thêm 2.3ha tại Công văn số 1493/UBND-ĐT.
Năm 2016 UBND tỉnh đồng ý chủ trương mở rộng thêm 7,2ha giai đoạn II Khu văn hóa tâm linh Chùa Phật Quang tự tại Công văn số 306/UBND-CNXD, ngày11/4/2016.
Tuy nhiên, phần diện tích 12,5ha nêu trên là bao gồm cả phần diện tích đất dân cư hiện hữu. Từ đó, dẫn đến việc thực hiện công tác thu hồi giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn 1 từ năm 2007 đến 2010, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình là chủ đầu tư đã phối hợp với UBND thành phố Hòa Bình tiến hành giải phóng mặt bằng sạch được hơn 4,2ha và đã được bàn giao đất khoảng 2,1ha.
Theo các hộ dân nơi đây, dù đã có chủ trương và các quyết định thu hồi đất đã ban hành, nhưng các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình và chủ đầu tư là Giáo hội Phật giáo thành phố Hòa Bình thực hiện chậm trễ, sai sót, đến nay ranh giới đất giữa các hộ dân vẫn chưa được làm rõ, chồng lấn giữa đất đã được thu hồi, đã được bồi thường giải phóng mặt bằng và đất chưa thu hồi, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ông Đinh Trọng Hoàng, một trong các hộ dân nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng của dự án bức xúc: “Nhiều công trình của nhà chùa không có giấy phép xây dựng nhưng vẫn xây dựng, còn chúng tôi do việc đền bù, tái định cư chưa được thực hiện nên nhà cửa dột nát muốn sửa chữa, xây mới đều không được phép, gia đình con cháu sống khổ cực trong những căn nhà lụp xụp ngay giữa lòng thành phố”.
Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình Bùi Quang Điệp cho biết, trên diện tích 4,2ha đã được Chủ đầu tư là Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình xây dựng nhiều công trình văn hóa tâm linh. Đối với dự án này, quá trình triển khai còn tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, các hộ dân nằm trong phạm vi giao đất để xây dựng công trình dự án có quyền sở hữu đất hợp pháp, nhưng vẫn không được thực hiện các quyền sử dụng đất của mình từ 17 - 18 năm nay, gây ra những bức xúc, đơn thư kiến nghị kéo dài qua nhiều năm.
Lùng nhùng giải phóng mặt bằng, giao đất và cấp phép
Tại cuộc họp với chính quyền thành phố Hòa Bình ngày 19/1/2024, Thượng tọa Thích Đức Nguyên - Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình, cho biết: “Giai đoạn 1 (2007 - 2010), tỉnh cấp cho Giáo hội 5,3ha. Trong đó, diện tích đền bù là 5ha rồi, còn có 3.000m ở dưới chân là vào đất ở của các hộ dân ở dưới mặt đường Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên, chúng tôi mới được bàn giao mặt bằng hơn 2ha, còn hơn 2ha đã giải phóng mặt bằng từ đó đến nay vẫn chưa được bàn giao, chỉ bàn giao giấy tờ, không bàn giao thực địa, nên người dân lấn chiếm. Có nhà xây dựng hoàn toàn trên đất lấn chiếm của nhà chùa”.
Thượng tọa Thích Đức Nguyên cũng đề nghị: “Đất đã được giải phóng mặt bằng đến đâu thì cần bàn giao lại cho giáo hội đến đó, tiếp tục giải quyết những vấn đề còn vướng mắc. Quan điểm của chúng tôi là muốn xây dựng khu này trở thành một quần thể văn hóa tâm linh. Về mặt xây dựng, chúng tôi vận động xã hội hóa. Còn việc đền bù, giải phóng thì liên quan đến không gian lễ hội, không gian văn hóa, nên cũng mong các cơ quan và tỉnh xem xét có chủ trương giúp đỡ giải phóng mặt bằng”.
Về việc thực hiện dự án, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã cấp 2 giấy phép xây dựng cho 2 hạng mục xây dựng trên. Ngày 20/1/2009, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép xây dựng số 02/GPXD công trình chùa Thượng với tổng diện tích xây dựng 650m2. Tiếp đó, ngày 26/4/2010, cấp giấy phép xây dựng số 33/GPXD cho công trình đền Mẫu với tổng diện tích xây dựng 800m2.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình Đoàn Tiến Lập, cho biết: Quá trình triển khai xây dựng các công trình khu văn hóa tâm linh Chùa Phật Quang tự, chủ đầu tư đã làm các thủ tục để cấp phép xây dựng đối với công trình chùa Thượng và đền Mẫu. Tuy nhiên, hiện nay nhà chùa đã xây dựng nhiều hạng mục phụ trợ mà chưa có giấy phép xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Hòa Bình cấp.
Tại buổi làm việc tìm giải pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến công trình xây dựng Chùa Phật Quang tự do Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình chủ trì diễn ra ngày 19/1/2024 đã thống nhất nội dung: “Ban Trị sự phật giáo tỉnh Hòa Bình là chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với UBND thành phố Hòa Bình nghiên cứu phương án và chi phí giải phóng mặt bằng, bố trí khu tái định cư và nguồn vốn thực hiện đối với các hộ dân trong khu vực quy hoạch xây dựng Chùa Phật Quang tự. Đề nghị Ban trị sự phật giáo có báo cáo phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư”.
Các giải pháp từ chính quyền
Ngày 31/1/2024 Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã ban hành công văn số 354/SXD-QHKT đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình giao cho Ban trị sự phật giáo tỉnh Hòa Bình là Chủ đầu tư chỉ xây dựng Chùa Phật Quang tự và các công trình phụ trợ trên diện tích 42.796,7m2 (4,279ha) là phần diện tích đã giải phóng mặt bằng. Đối với phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng giữ nguyên là đất tâm linh theo Đồ án quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hòa Bình đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ngày 29/1/2024 Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hòa Bình ban hành công văn số 307/SKHĐT-TTr báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình với nội dung ghi rõ: “Công trình Văn hóa tâm linh chùa Chùa Phật Quang tự là cơ sở tôn giáo được quy định tại Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư công, Luật đầu tư nên không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư”.
Ngày 31/1/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn số 474/STNMT-TTr cho biết Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình sẽ thực hiện việc điều chỉnh giao đất, thu hồi đất theo chủ trương điều chỉnh ranh giới quy hoạch của dự án ngay sau khi UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình thống nhất thực hiện điều chỉnh dự án.
Đối với diện tích 42.796,7 m2 đã được giải phóng mặt bằng trong giai đoạn I (2007-2010) giao Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình thực hiện lập hồ sơ xin giao đất, nộp vào Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hòa Bình để Sở tài nguyên Môi trường thẩm định theo quy định.
Tại cuộc làm việc do Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh chủ trì vào ngày 15/2/2024. Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình Bùi Quang Điệp kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo điều chỉnh giảm diện tích xây dựng công trình Chùa Phật Quang tự. Cụ thể, điều chỉnh giảm diện tích 76.900m2 của giai đoạn II, là diện tích chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định. Điều này sẽ thuận lợi cho các hộ dân dọc tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi thực hiện các quyền sử dụng đất của mình.
Ông Đoàn Tiến Lập, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, đề nghị UBND thành phố Hoà Bình kiểm tra trật tự xây dựng cả khu vực nhà chùa và các hộ dân ở trong phạm vi khu vực dự án, giao cho quản lý đô thị xử lý nghiêm, giải quyết dứt điểm. Những việc công trình không phép thì phải dừng ngay hoặc kiến nghị xử lý, việc xây dựng phải thực hiện đảm bảo theo các quy định của pháp luật.
Trước những kiến nghị, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh đã yêu cầu các sở, ngành tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Hòa Bình tập trung rà soát, nghiên cứu các quy định của pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng Trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại đồi Ba Vành trong thời gian sớm nhất; đảm bảo đúng quy định của pháp luật và quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của chủ đầu tư và người dân.