Tham dự có các nhân chứng lịch sử là nguyên cán bộ, chiến sỹ Đoàn 260 do Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên thành lập, trực tiếp tiến công giải phóng cụm cứ điểm Đăk Pek năm 1974.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các nhân chứng lịch sử nhằm hoàn thiện hồ sơ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Qua đó góp phần nâng tầm và phát huy giá trị của Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pek.
Các đại biểu, nhân chứng lịch sử đã cùng ôn lại truyền thống hào hùng của chiến thắng Đăk Pek năm 1974; đồng thời, khẳng định giá trị lịch sử của sự kiện, vai trò, ý nghĩa quan trọng của việc đề nghị xếp hạng cấp quốc gia đối với di tích này.
Đại tá Hồ Hữu Lạn (Nguyên Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu Trị Thiên) cho biết, chiến thắng Đăk Pek là thắng lợi chiến lược, giúp quân ta mở thông đường Đông Trường Sơn, nối liên hoàn thế trận Quân khu V - Tây Nguyên - Đông Nam Bộ. Chiến thắng đánh dấu sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng; sự hy sinh xương máu trong suốt 20 năm (từ 1954 - 1974) của quân, dân các dân tộc Đăk Pek và các thế hệ cán bộ, nhân dân địa phương, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, quân và dân Đăk Glei.
“Thắng lợi chiến lược này xứng tầm với một di tích quốc gia, để chúng ta tri ân hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, quân dân địa phương đã anh dũng hy sinh, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, với lý tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đại tá Hồ Hữu Lạn khẳng định.
Ông Phạm Công Hưởng (cựu chiến binh Trinh sát đặc công D404, Quân khu V) khẳng định, chiến thắng Đăk Pek có ý nghĩa và vai trò lịch sử; do đó cần được nâng cấp thành di tích quốc gia để giáo dục thế hệ trẻ về quá khứ hào hùng, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Huyện Đăk Glei vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những yếu tố để khai thác tiềm năng, thế mạnh, gắn liền với Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pek nhằm phát triển du lịch, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân địa phương.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ giúp Sở hoàn thiện hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng thời mong muốn các nhân chứng lịch sử tiếp tục có những đóng góp để Sở hoàn thiện hồ sơ trong thời gian tới.
Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pek thuộc thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Trước khi được giải phóng, địch đã chiếm đóng và xây dựng Chi khu quân sự tại đây nhằm khống chế, án ngữ khu vực phía Bắc của tỉnh Kon Tum tiếp giáp với đồng bằng Khu V, làm căn cứ bàn đạp tấn công về phía Tây, cắt đứt tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh, ngăn chặn ta chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam. Tại đây cũng có khoảng 3.000 người dân bị địch dồn vào ấp chiến lược, luôn phải sống trong cảnh kìm kẹp, đe dọa và bệnh tật.
Mùa hè năm 1974, Tỉnh ủy Kon Tum phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chỉ thị cho các lực lượng vũ trang tấn công địch, mục tiêu chủ yếu là căn cứ quân sự và Chi khu quận lỵ Đăk Pek. Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã thành lập Đoàn 260 gồm Chỉ huy và các cơ quan đoàn của nhiều đơn vị như: Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 10; Trung đoàn Bộ binh 3, Sư đoàn 324; một lực lượng pháo binh của Trung đoàn Pháo 40…
Ngày 16/5/1974, quân ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Đăk Pek. Sau 4 giờ chiến đấu, toàn bộ quân địch ở căn cứ Đăk Pek đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt. Chiến thắng đã đập tan bộ máy chính quyền của địch tại Chi khu quận lỵ Đăk Pek, giải phóng 3.000 dân của 8 xã, 10 ấp chiến lược khỏi ách kìm kẹp của địch. Đặc biệt, tuyến đường chiến lược Đông Trường Sơn được khai thông giúp quân ta đẩy mạnh vận chuyển phục vụ chiến đấu, chuẩn bị các chiến dịch lớn cho giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Năm 2006, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Đăk Pek là di tích cấp tỉnh.