Hướng tới hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp

Cách làm bài bản, thực hiện nhiều chính sách, cơ chế phù hợp giúp kinh tế lâm nghiệp ở tỉnh miền núi Tuyên Quang đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Chú thích ảnh
Công nhân của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn (xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) chăm sóc cây giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô tại vườn ươm của công ty. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã trồng mới hơn 55.400 ha rừng sản xuất tập trung nâng độ che phủ của rừng đạt trên 65%. Tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện nhiều giải pháp, phấn đấu trở thành địa phương hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước.

Sau nhiều năm trồng các loại cây ăn quả để phát triển kinh tế như thanh long, chanh đào, cam vinh… nhưng không đạt hiệu quả. Năm 2010 gia đình anh Vương Từ Phìn, thôn 4, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả sang trồng cây keo, mang lại cho gia đình anh thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/ha mỗi chu kỳ. Nguồn thu nhập ổn định từ rừng đã giúp gia đình anh Phìn thoát nghèo và trở thành hộ khá.

Anh Vương Từ Phìn cho biết, trước đây nhiều hộ dân trong thôn chủ yếu trồng những loại cây ăn quả, rau, màu ngắn ngày nhưng không hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế như keo, mỡ… mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Mỗi 1 ha  rừng sau 7 năm có thể cho thu hoạch khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí thì người dân vẫn lãi khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha. Nhờ trồng rừng người dân đã từng bước phát triển kinh tế, làm giàu từ rừng.

Do địa hình bị chia cắt bởi đồi, núi, ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ nên từ nhiều năm nay xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển cây lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu của địa phương. Đến nay, xã Tân Tiến có hơn 4.000 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ của rừng đạt trên 75%. Nhờ trồng rừng, nhiều gia đình ở xã Tân Tiến đã thoát nghèo, góp phần giúp xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Lý Minh Hiếu chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong những năm gần đây thu nhập chủ yếu của người dân trong xã từ trồng rừng. Đời sống của bà con đã được nâng lên, bình quân thu nhập đầu người đạt gần 42 triệu đồng/người/năm. Cơ bản người dân xã Tân Tiến đã xóa được đói,  giảm được nghèo nhờ trồng rừng.

Xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những khâu đột phát để Tuyên Quang trở thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Vì vậy, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều cơ chế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng như hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho người dân, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng rừng; thực hiện cơ chế liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân tham gia trồng rừng, mở rộng vùng nguyên liệu; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản.

Hiện nay, tỉnh đang có 8 nhà máy chế biến gỗ, giấy và bột giấy đang hoạt động như: nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 1,3 triệu m3/năm; nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất 0.000 m3/năm... 

Các sản phẩm gỗ rừng trồng của Tuyên Quang đã được xuất khẩu sang các nước như:  Ấn Độ, Mỹ, Singgapore, Trung Quốc, các nước châu Âu...

Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng giám đốc công ty Cổ phần giấy An Hòa cho biết, để tạo chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững cho nhà máy, hàng năm Công ty hỗ trợ hơn 2 triệu cây giống miễn phí cho người dân, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng để đạt năng suất tốt nhất.Trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm những giống cây mới và hỗ trợ miễn phí cho người dân đồng thời cam kết đảm bảo thu mua sản phẩm cho người dân.

Chú thích ảnh
Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chủ rừng và các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tổ chức dọn, phát thực bì ở khu vực rừng trồng cây keo lai theo tiêu chuẩn trồng rừng quốc tế FSC, tại xã Thanh Tương, huyện Na Hang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã trồng được hơn 55.400 ha rừng sản xuất tập trung, tạo vùng rừng gỗ nguyên liệu giấy đạt 132.000 ha, diện tích rừng kinh doanh gỗ lớn gần 69.900 ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 35.800 ha.

Sản lượng khai thác gỗ đạt 4,2 triệu m3, bình quân khai thác 844.000 m3/năm, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 911 tỷ đồng năm 2015 lên 1.308 tỷ đồng năm 2019; năng lực chế biến gỗ rừng trồng, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và tỷ lệ che phủ rừng nằm trong Top đầu cả nước.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ rừng trồng tỉnh Tuyên Quang đang khuyến khích thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, hoàn thành sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 05 Công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ chủ yếu trong chương trình phát triển lâm nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

Để thực hiện chương trình này, tỉnh đã thực hiện 3 lần quy hoạch phát triển rừng, thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lớn trong tỉnh; hỗ trợ các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao, thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, chính sách của trung ương, thực hiện khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ... Tất cả các chính sách hỗ trợ đã tạo nên nguồn lực để phát triển rừng theo hướng bền vững.

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ xác định Tuyên Quang là điển hình phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế rừng bền vững.

Tỉnh cũng đã triển khai xây dựng đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Hàng năm, tỉnh Tuyên Quang thực hiện trồng mới trên 10.000 ha rừng, khai thác 9000 m3 gỗ và thực hiện quản lý và bảo vệ có hiệu quả trên 422 nghìn ha rừng hiện có, đáp ứng đủ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lớn thực hiện sản xuất và  xuất khẩu sang các nước để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng và thu ngoại tệ cho địa phương.

Quang Cường (TTXVN)
Tìm động lực phát triển cho cực tây Tổ quốc - Bài cuối: Ước mơ kinh tế rừng thức giấc
Tìm động lực phát triển cho cực tây Tổ quốc - Bài cuối: Ước mơ kinh tế rừng thức giấc

Dựa vào thế mạnh của đại ngàn, tập quán của người dân để phát triển các mô hình sinh kế hưởng lợi từ rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN