Từ năm 2011 huyện Hoằng Hóa triển khai xây dưng nông thôn mới. Khi đó sản xuất nông nghiệp của huyện còn manh mún, công nghiệp - dịch vụ chưa phát triển. Thu nhập bình quân đầu người tại đây mới đạt 13,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, số tiêu chí nông thôn mới đạt 6,7 tiêu chí/xã.
Sau 10 năm triển khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo nông thôn huyện Hoằng Hóa đã có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Huyện đã có 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2020, huyện có 2 xã Hoằng Đồng và Hoằng Lộc được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; có 1 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cũng trong giai đoạn này huyện Hoằng Hóa đã huy động được 9.747 tỷ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách nhân dân tham gia đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, chỉnh trang nhà ở, vườn tạp với giá trị 3.624 tỷ đồng, chiếm 37,19%.
Trên cơ sở lồng ghép các nguồn vốn, huyện Hoằng Hóa đã đầu tư làm mới, nâng cấp, sửa chữa và mở rộng được 175 km đường giao thông cấp huyện; kiên cố hóa 151 km kênh mương, xây dựng thêm hàng trăm phòng học và phòng chức năng của trường học các cấp, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, bảo đảm theo tiêu chí nông thôn mới, phục vụ hiệu quả các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, sản xuất.
Về lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; trong đó, khai thác và nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn của huyện. Năm 2020, toàn huyện có trên 3.033 ha nuôi trồng thủy sản. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tại đây đạt 190 triệu đồng.
Trong lĩnh vực trồng trọt huyện có 154 mô hình tích tụ ruộng đất có quy mô từ 1-3 ha. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt 98% đối với khâu làm đất và thu hoạch, có 61 ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hoằng Hóa cũng là huyện đi đầu trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP). Đến nay toàn huyện đã có 7 sản phẩm được UBND tỉnh xếp hạng 3 - 4 sao, 2 sản phẩm được Hội đồng trung ương đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao.
Về sản xuất công nghiệp, huyện có 5 khu, cụm công nghiệp tập trung với 606 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 25.000 lao động. Các xã cũng khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, có 12 làng nghề truyền thống được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận, tiêu biểu như làng nghề mây tre đan, tranh thêu, chế biến nước mắm… Qua đó tạo việc làm cho 15.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Khu du lịch Hải Tiến đã thu hút trên 8.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, khách sạn. Năm 2019 ngành du lịch của huyện đã đón 1,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.725 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động với thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/người/năm.
Giáo dục đào tạo cũng được huyện quan tâm, truyền thống hiếu học luôn được duy trì và ngày càng phát triển. Giáo dục của huyện luôn đạt top đầu toàn tỉnh. Năm 2020 huyện có 3/4 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, 100% trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia.
Chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được cải thiện. Năm 2020 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,2%. Trên địa bàn huyện có 2 bệnh tư nhân hoạt động hiệu quả chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Giang đề nghị huyện Hoằng Hóa tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xã nông thôn mới, nhất là quy hoạch của các xã mới được sát nhập. Tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị là nhiệm vụ thường xuyên, xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo phương châm sản xuất phát triển, môi trường được bảo vệ, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân hạnh phúc; xây dựng được nhiều vùng quê đáng sống.
Huyện cũng cần thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nhất là chính sách tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, lấy doanh nghiệp là “hạt nhân” để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Huyện cũng cần tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Quy hoạch, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, các khu đô thị dân cư văn minh, thân thiện với môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử của địa phương để thu hút được nhiều người đến với Hoằng Hóa sinh sống, làm việc, nghỉ dưỡng.
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Hoằng Hóa tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí huyện, xã nông thôn mới, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã và 40 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện được công nhận là đô thị loại IV và phấn đấu đến năm 2030 trở thành thị xã.