Tỷ lệ virus trong đàn lợn ở địa phương ở khoảng 3-4% nên có nguy cơ bùng phát dịch. Lợn giết mổ tại chỗ và tiêu dùng tại chỗ sẽ hạn chế được nguy cơ lây nhiễm và ảnh hưởng lớn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh phần lớn do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; virus bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn lưu hành ngoài môi trường và trên lợn nhập từ các tỉnh về; thời tiết diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút sinh sôi bệnh dịch tả lợn châu Phi và gây bệnh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo phòng, chống, kiểm soát khống chế ổ dịch tả lợn châu Phi; trong đó, nhấn mạnh tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là tại các khu vực đang có dịch và khu vực có nguy cơ cao xuất hiện dịch.
Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu chính quyền cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo phòng chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất và huy động mọi nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch với mục tiêu cao nhất là khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, tuyệt đối không để lây lan diện rộng trên địa bàn. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thuỷ sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các văn bản về tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về chỉ đạo và tổ chức thực hiện phòng, chống dịch trên địa bàn. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng, vật nuôi địa phương, phân công rõ người, rõ trách nhiệm để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch khi mới phát sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi; rà soát, thống kê chính xác tổng đàn lợn của địa phương.
Quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn; tại các vùng dịch, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, thành lập các tổ, các đội công tác của xã, thôn khu thực hiện việc giám sát chặt chẽ ổ dịch. Hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi thu gom phân, rác, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc, chủ động sử dụng vôi bột rắc xung quang chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh.
Chuẩn bị địa điểm chôn hủy, nhân lực, vật lực thực hiện tiêu hủy lợn bệnh; bố trí kinh phí để mua vật tư, hóa chất, chi trả công cho lực lượng tham gia chống dịch và hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy theo quy định.
Cùng đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh; khuyến cáo hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; truyền thông đưa tin đầy đủ, tránh hoang mang cho người sản xuất, tiêu thụ thịt lợn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đảm bảo sẵn sàng nhân lực, tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan.
Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật của Chi cục Chăn nuôi và Thú y bám sát địa bàn, hỗ trợ địa phương trong lấy mẫu xét nghiệm và xử lý ổ dịch; tăng cường kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn không đúng quy định.
Tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (cấp xã) lập hàng rào, biển báo, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ lợn, sản phẩm lợn ra, vào vùng dịch.