Toàn tỉnh hiện có 24 đơn vị thu gom, 4 vị trí xử lý chất thải rắn sinh hoạt, 5 đơn vị xử lý chất thải trong khu, cụm công nghiệp. Qua đánh giá, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tại các địa phương tương đối ổn định, chưa xảy ra tình trạng ùn ứ rác. Các đơn vị thu gom quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển như trang bị xe ép rác chuyên dụng, khung giờ lấy rác phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, thực hiện biện pháp kỹ thuật hạn chế rơi vãi nước, rỉ rác trong quá trình vận chuyển…
Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Một số địa phương, công tác quy hoạch thu gom, xử lý rác thải dù có nhưng triển khai thực tế rất chậm. Một số nơi thậm chí không triển khai quy hoạch được. Trong khi đó, lượng chất thải rắn bình quân tăng từ 5 - 10%/năm; việc xử lý rác thải chưa thật sự bền vững khi có đến 50% lượng rác thải của tỉnh phải nhờ Thành phố Hồ Chí Minh xử lý. Tỉnh đã quy hoạch sử dụng đất bãi thải để thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn nhưng đến nay chưa thu hút được đơn vị đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh đề ra nhiều giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trên. Tỉnh xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý chất thải sau khi xây dựng xong, đảm bảo tính hiệu quả, ổn định, bền vững của dự án xử lý chất thải; đồng thời, kêu gọi nhà đầu tư nhà máy xử lý chất thải nhằm chủ động trong công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn.
Tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường, thực hiện lối sống văn minh, xanh - sạch - đẹp; thanh tra, kiểm tra giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Long An huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn từ nguồn ngân sách nhà nước (cả nguồn vốn ODA), quỹ bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Các huyện, thị xã tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn; trong đó, quy định cụ thể việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tuyến đường, thời gian và phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Cùng với các giải pháp trên, tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có phương án phát triển các khu xử lý chất rắn gồm: xây dựng một khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thủ Thừa, xử lý chất thải rắn thông thường cho tỉnh Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và xử lý chất thải nguy hại cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp; đồng thời nâng cấp, chuyển đổi công nghệ đốt tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa phục vụ xử lý rác thải cho các huyện Thạnh Hóa và Tân Thạnh.
Tỉnh xây dựng 3 khu xử lý chất thải rắn tập trung tại các huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng và Cần Giuộc; quy mô tối thiểu 30 ha/khu. Long An xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn tại tất cả khu đô thị có khoảng cách đến khu xử lý chất thải rắn trên 20 km; bố trí trạm trung chuyển chất thải rắn cỡ nhỏ tại khu đô thị có bán kính phục vụ tối đa 10 km. Chất thải được phân loại tại nguồn và công nghệ xử lý bao gồm tái sử dụng - tận thu, ủ phân, thiêu đốt chất thải không tái chế được (đốt rác phát điện), chôn lấp.