Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương đề xuất với Đoàn công tác về kế hoạch triển khai công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn tiếp theo như: tiếp tục kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo chuyên môn, kỹ năng, kiến thức quản lý, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Tỉnh Hòa Bình kiến nghị được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các dự án xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực công ích. Các cơ quan chức năng hỗ trợ tỉnh tiếp cận với các tổ chức quốc tế nhằm huy động nguồn lực về kinh tế và kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; hỗ trợ kinh phí thực hiện giám sát, kiểm soát, quan trắc chất lượng môi trường nước mặt các huyện thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2008 - 2020, tỉnh Hòa Bình đã triển khai 4 chương trình, dự án, giải pháp cụ thể gồm: Xây dựng khu xử lý và chôn lấp rác thải ở thành phố Hòa Bình; xây dựng Trạm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh Hòa Bình; trồng rừng vùng lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; quy hoạch bảo vệ môi trường vùng lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Đến nay, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư được nâng lên. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường có chiều hướng giảm dần. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước mặt tại các điểm thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy của tỉnh Hòa Bình hiện chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm; các thông số, chỉ tiêu quan trắc cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép; chưa để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến vùng lân cận thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Tuy nhiên, từ năm 2010 - 2020, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, một số cơ sở, doanh nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trong quá trình hoạt động có phát sinh chất thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, đời sống của nhân dân. Nhà máy mía đường Hòa Bình, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Tân Hiếu Hưng, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi gây ô nhiễm môi trường nước sông, làm cá nuôi lồng của người dân huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng. Nhà máy Chế biến quặng đồng của Công ty Cổ phần đồng An Phú xã Yên Thượng, huyện Cao Phong làm tràn bể chứa dung dịch ngâm ủ quặng, gây ô nhiễm suối Màn và chết cá của một số hộ dân. Bệnh viện Đa khoa huyện Đà Bắc chôn lấp khoảng 1 tấn chất thải y tế trái phép trong thời gian dài; hoạt động đổ trộm chất thải tại huyện Lương Sơn và Yên Thủy; đốt chất thải điện tử trái phép tại khu vực giáp ranh giữa Đồng Om, xã Cao Phong, huyện Lương Sơn với xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội...
Ngoài ra, tình trạng xây dựng cơ bản, xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị, vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng đang diễn ra mạnh cũng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương, đô thị. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm theo quy định.
Kết luận buổi kiểm tra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đánh giá cao kết quả đạt được trong triển khai Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2008 - 2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; đồng thời tiếp nhận đầy đủ ý kiến, kiến nghị của tỉnh Hòa Bình để tổng hợp báo cáo Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.