Nỗ lực hỗ trợ người sau cai nghiện
Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục để phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tham gia quản lý, cảm hóa, hỗ trợ người nghiện ma tuý cai nghiện hòa nhập cộng đồng ngay tại địa phương. Cụ thể như tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai nghiện ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng.
Thống kê trong 9 tháng năm 2024, tổng số người được cai nghiện, chữa trị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 456 người. Trong đó, cai nghiện bắt buộc là 404 ngưởi, cai nghiện tự nguyện 52 người. Trong tổng số 456 người được cai nghiện, có 307 người được chuyển sang từ năm 2023, 149 người tiếp nhận mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 195 người đã hết thời gian cai nghiện, được Cơ sở cai nghiện ma túy đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, nhằm tư vấn tâm lý, quản lý, hỗ trợ các vấn đề xã hội để hòa nhập cộng đồng.
Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, người nghiện ma túy cai nghiện, chữa bệnh tại Cơ sở cai nghiện đều được tư vấn, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ đạt hiệu quả cao, được tư vấn về dự phòng tái nghiện. Đặc biệt, thông qua các Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Đội tình nguyện), công tác hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng tại địa phương ngày càng hiệu quả hơn.
Qua đánh giá, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, 8 đội tình nguyện đã tiếp cận, tư vấn, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, người mới sử dụng ma túy và người sau cai nghiện ma túy cách ly môi trường ma túy, người bán dâm hòa nhập cộng đồng.
Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) Nguyễn Thị Phương cho biết, Đội đã phân công các đội viên trục tiếp phụ trách, theo dõi từng Tổ dân phố thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”. Trong thời gian qua, Đội đã tư vấn, giúp đỡ và hỗ trợ 3 trường hợp sau cai nghiện được vay vốn đầu tư máy móc sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tương tư, Đội công tác xã hội tình nguyện xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) đã phân công cụ thể cho mỗi tình nguyện viên thực hiện công tác hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, Đội tình nguyện đã hỗ trợ được 9 người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, có công việc ổn định và không có biểu hiện tái nghiện.
Tiếp tục khắc phục những hạn chế
Theo thống kê, trong 5 năm qua (từ 15/12/2019 đến ngày 31/5/2024), tổng số người được cai nghiện, chữa trị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 1.641 lượt người. trong đó, cai nghiện bắt buộc là 895 người, cai nghiện tự nguyện 746 người. Số người nghiện ma túy Cơ sở cai nghiện ma túy quản lý tại thời điểm ngày 31/5/2024 là 271 người.
Trong năm 2024, Lâm Đồng cũng triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” trên địa bàn.
Trong đó, tập trung vào nghiên cứu, hướng dẫn đổi mới hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghiện ma túy; phối hợp rà soát, đánh giá cách thức tổ chức đào tạo nghề cho người nghiện ma túy; các nghề được đào tạo cho người nghiện ma túy phù hợp với đặc điểm, trình độ của người nghiện ma túy; hiệu quả hoạt động lao động trị liệu sau đào tạo nghề; kết quả hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng có việc làm phù hợp nghề được đào tạo và phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau.
Đồng thời, ngành chức năng cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ quản lý trường hợp, hướng dẫn, trợ giúp, chăm sóc người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy từ xa, kết nối trực tuyến giữa người nghiện, người sau cai nghiện ma túy, gia đình người nghiện, cán bộ hỗ trợ và cơ sở cung cấp dịch vụ.
Theo đại diện Sở Lao động – Thương binh và xã hội Lâm Đồng, dù đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng hiện nay, công tác phòng chống tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như chưa có tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; chưa có đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực của cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh so sánh đối chiếu với các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP chưa đảm bảo theo quy định.
Thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và xã hội Lâm Đồng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma túy; tuyên truyền, vận động cai nghiện tự nguyện; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, giúp đỡ về nghề nghiệp, việc làm… và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng người hoàn thành thời gian cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy khi trở về cộng đồng.