Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định địa phương hoàn toàn tự tin có đủ nguồn lực để có thể khởi công 2 dự án của tuyến đường cao tốc này vào tháng 9/2023.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, về nguồn vốn để có thể khởi công 2 dự án cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc và Bảo Lộc- Liên Khương, hiện tỉnh Lâm Đồng đã chuẩn bị khoản kinh phí 6.500 tỷ đồng; trong đó trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng và ngân sách của tỉnh 4.500 tỷ đồng. Phía chủ sở hữu nhà đầu tư phía đối tác hiện đã thu xếp 1.600 tỷ đồng và đang tiếp tục huy động. UBND tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với phía đơn vị tín dụng và được cam kết trong 3 năm sẽ thu xếp đảm bảo nguồn kinh phí 9.000 tỷ đồng còn lại.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh thì Lâm Đồng, nếu không có đủ nguồn lực thì sẽ không thể vượt qua được vòng phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi mà hiện tỉnh đang làm Báo cáo quy trình. Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, hiện tại quỹ ngân sách của tỉnh và các huyện, thành phố đang tồn 9.274 tỷ đồng, theo quy định thì tỉnh hoàn toàn có quyền ứng trước để bù vào khoản kinh phí xây dựng 2 dự án cao tốc trên địa bàn. Một nguồn lực khác có thể trông cậy là tỉnh có quyền được ứng trước 20% quỹ ngân sách của kỳ trung hạn tiếp theo để sử dụng cho việc thi công các dự án cao tốc… Như vậy có thể khẳng định nguồn lực để có thể khởi công 2 dự án đường cao tốc trên địa bàn tỉnh hoàn toàn đảm bảo, còn tiến độ thực hiện chủ yếu phụ thuộc vào tiến độ triển khai các thủ tục, hồ sơ theo quy định.
Dự án xây dựng 2 đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là 2 đoạn cao tốc thuộc dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài 200 km, nối liền trung tâm của tỉnh Lâm Đồng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. 2 đoạn cao tốc này đi qua các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140 km.
Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km, có 11 km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và 55 km còn lại thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động.
Đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương nối với đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, có chiều dài khoảng 74 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước tham gia 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư là 11.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc (điểm cuối của Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc); điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương – Prenn thuộc thị trấn Liên Nghĩa huyện Đức Trọng.
Hiện tại, đơn vị thi công cũng đang gấp rút hoàn thành dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đèo Prenn thành phố Đà Lạt. Đây là dự án có tổng chiều dài 7,4 km, với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 15,5 m, mặt đường rộng 14,5 m (bao gồm lề gia cố), dọc tuyến có thiết kế 1 cầu cạn cải tuyến tại Km224+854, bố trí 4 điểm dừng xe và 2 sân vọng cảnh. Tổng mức đầu tư 553 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương; thời gian thực hiện dự án năm 2022-2023.
Như vậy sau khi hoàn thành 2 dự án cao tốc Bảo Lộc- Liên Khương và Tân Phú- Bảo Lộc, từ thành phố Đà Lạt kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn toàn chạy trên tuyến cao tốc và đường mới nâng cấp; trong đó bắt đầu từ đoạn qua đèo Prenn sắp bàn giao đưa vào sử dụng, tiếp đó là cao tốc Prenn- Liên Khương đã sử dụng nhiều năm qua, đi qua 2 dự án cao tốc sắp khởi công vào tháng 9/2023 để kết nối với đoạn cao tốc Dầu Dây- Tân Phú (thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai) cũng đang chuẩn bị khởi công.