Tại những nhà vườn, chủ vườn cùng nhân công vừa nhặt lá mai, vừa trò chuyện rôm rả về lứa mai năm nay, thi thoảng lại có vài người yêu cây cảnh tìm đến đặt hàng, mua mai về trưng cho những ngày Tết sắp đến.
Cây mai vàng ở xã Hàm Hiệp từ lâu đã được nhiều người dân thành phố Phan Thiết và những địa phương lân cận biết đến, ưa chuộng. Nghề trồng mai ở Hàm Hiệp đã tồn tại từ mấy chục năm trước và có những đặc trưng ít nơi nào có được. Mai ở đây có búp to, chắc và dày. Hoa mai nở ra thường có từ 5 đến 10 cánh mỏng, mượt, xếp chồng khít lên nhau, màu vàng tươi và thoảng hương thơm của mai rừng.
Theo người dân địa phương, vùng đất Phú Hội phù hợp với cây mai nên cây phát triển to, nhanh. Thường trồng từ 4 - 5 năm, cây mai đã xuất bán được. Vào thời điểm này, cây mai đang cho nụ. Để cây ra hoa đúng lúc, các nhà vườn đều thuê người nhặt lá từ ngày 13 đến 16 tháng Chạp. Sau khi nhặt lá, tùy vào tình hình phát triển của nụ, các nhà vườn sẽ tưới và canh nước để hoa nở.
Nhiều năm nay, thương lái hoặc khách lẻ thường tìm tới tận vườn để mua cây, người trồng ít khi phải mang ra chợ. Ngoài ra, các nhà vườn còn cho khách thuê cây mai về nhà ngắm trong những ngày Tết. Các chủ vườn dự đoán năm nay giá bán mai vẫn ở mức ổn định, không tăng so với năm ngoái.
Vườn của bà Võ Thị Năm (79 tuổi) ở thôn Đại Lộc xã Hàm Hiệp là một trong những vườn mai lớn, lâu đời nhất ở địa phương. Với hơn 3 sào đất chuyên canh cây mai, vụ Tết năm nay, gia đình bà chuẩn bị xuất bán gần 1.000 gốc mai. Vào ngày Rằm tháng Chạp, gia đình bà đã thuê gần 80 nhân công để nhặt lá mai.
Bà Năm cho biết bà không nhớ là đã trồng mai được bao nhiêu mùa. Chỉ nhớ là kể từ sau năm 1975 đến nay, vợ chồng bà gắn bó với nghề trồng mai tới tận bây giờ trong khi nhiều hộ bắt tay vào trồng cây thanh long. Kinh nghiệm trồng mai được ông bà đúc kết từ từ trong quá trình trồng chứ chưa hề nghiên cứu sách vở.
Theo bà Năm, ngày xưa, cứ để thả tự nhiên, cây mai ra cành lá xum xuê, tán vươn tự nhiên. Nhưng ngày nay, theo thị hiếu của người tiêu dùng, cây mai được cột cành, tạo dáng đẹp mắt, từ đó giá bán cũng cao hơn. Ngay từ đầu tháng Chạp, những người yêu thích cây mai đã tìm tới vườn mua với giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng một gốc. Người mua thường chọn những cây mai có tán đều, cân đối, không bị sâu bệnh và nụ hoa nhiều, to, xanh.
Còn tại vườn mai của bà Nguyễn Thị Kiều (cùng ở thôn Đại Lộc), mặc dù sức mua năm nay chậm hơn so với mọi năm nhưng gia đình bà vẫn hy vọng một mùa mai “vàng” bởi hơn 400 gốc mai đang cho nụ như ý người trồng. Theo bà Kiều, năm nay, thời tiết thuận lợi hơn so với hai năm trước, mai không bị bung nở sớm. Trong năm có vài đợt sương muối nhưng người dân đã tưới rửa nên cây mai không bị ảnh hưởng, vẫn phát triển tốt.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng mai, bà Kiều cho biết: Việc chăm sóc mai được thực hiện trong cả năm từ bón phân, tưới nước, tỉa cành, nhặt lá… Trong đó, công đoạn nhặt lá là quan trọng nhất, quyết định đến việc mai nở đúng dịp Tết hay không. Kinh nghiệm để mai ra nụ và nở đúng dịp Tết là người trồng nên nhặt lá mai trước một lần vào khoảng tháng 4 âm lịch và một lần vào giữa tháng Chạp. Tùy vào độ tuổi, tình hình ra nụ của từng cây mà người trồng tiến hành nhặt lá mai giữa năm.
Làng mai Phú Hội tồn tại hơn 45 năm qua. Điều này cho thấy, vùng đất này có thổ nhưỡng thích hợp, khí hậu phù hợp để trồng cây mai vàng. Theo Ủy ban nhân dân xã Hàm Hiệp, hiện toàn xã có khoảng 300 hộ trồng mai vàng với diện tích hơn 15 ha. Hằng năm, Hàm Hiệp cung cấp hàng nghìn cây mai giống, mai cảnh cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, thu nhập của người dân địa phương được ổn định.