Theo đó, đối với năm 2023, hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm trong tháng 7 /2023 trong phạm vi, đối tượng đối với cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cấp có đơn vị trực thuộc, gồm: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban thường vụ cấp ủy các cấp. Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo ở cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương).
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội. Cán bộ giữ nhiều chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thì lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở 2 nơi cán bộ công tác và sinh hoạt. Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.
Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp), cụ thể: Đối với các chức danh do hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội. Đối với các chức danh lãnh đạo cấp uỷ các cấp tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân các cấp bầu. Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Đối với năm 2023, hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm trong tháng 7/2023.
Theo Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai Viên Hồng Tiến, thông qua lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao vị trí, vai trò và uy tín lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp uỷ, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
Quan điểm, nguyên tắc, mục đích, yêu cầu, tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.