Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cơ cấu nguồn vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An có sự chuyển biến theo hướng ngày càng đa dạng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; trong đó, nguồn vốn huy động và nhận ủy thác tại địa phương ngày càng phát triển, chiếm tỷ lệ cao trong tổng nguồn vốn. Giai đoạn 2015 - 2022, nguồn vốn tăng trưởng bình quân hơn 337 tỷ đồng/năm, tỷ lệ tăng bình quân 10,69%/năm.
Trong đó, tính đến ngày 31/12/2022, nguồn vốn Trung ương chuyển về đạt hơn 3.236 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,74%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất, là nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An huy động từ các cá nhân, tổ chức và tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng thời gian trên đạt hơn 1.260 tỷ đồng.
Mặc dù trong quá trình hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách được quan tâm bổ sung từ Trung ương và ngân sách địa phương các cấp, vận động nguồn vốn ủy thác đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội nhưng vẫn còn hạn chế. Đó là: nguồn vốn và dư nợ bình quân/đơn vị huyện tại Long An còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn quốc (bình quân toàn quốc 437 tỷ đồng/đơn vị huyện; bình quân tại Long An là 322 tỷ đồng/đơn vị huyện, đứng vị trí 59/63 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội trên toàn quốc).
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay những năm qua tăng trưởng tương đối tốt nhưng vẫn hạn chế so với nhu cầu vay vốn đang còn rất lớn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; trong đó, nguồn vốn địa phương còn chiếm tỷ lệ thấp trên tổng nguồn vốn cho vay, thấp so với các tỉnh trong khu vực và nhu cầu của người dân.
Để tăng tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng tâm. Đó là cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phấn đấu hằng năm ngân sách địa phương ủy thác để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng và đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm khoảng 15%/tổng nguồn vốn.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết, địa phương sẽ rà soát các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng huy động các nguồn tiền gửi, nguồn quỹ tạm thời chưa sử dụng từ các cá nhân, tổ chức và xã hội nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các Chương trình mục tiêu Quốc gia trong từng giai đoạn.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An phối hợp cùng chính quyền các địa phương mở rộng cuộc vận động vì người nghèo như phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, “Gửi tiết kiệm vì người nghèo”… nhằm kêu gọi các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác...