Cụ thể hóa Luật Dân quân tự vệ
Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Sau hơn một năm đưa Luật Dân quân tự vệ vào cuộc sống, đã giúp các địa phương trong cả nước xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lai Châu là tỉnh vùng cao, biên giới có 22 xã biên giới giáp Trung Quốc, với đường biên dài hơn 265 km. Là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Thời gian qua, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc, đảm bảo an ninh chính trị khu vực biên giới, tỉnh Lai Châu đã tổ chức huy động lực lượng dân quân ở các xã biên giới phối hợp với lực lượng như biên phòng, công an và chính quyền ở các thôn, bản biên giới thường xuyên tuần tra, kiểm soát nắm chắc tình hình khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm.
Thượng tá Hoàng Văn Kỳ, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu cho biết: Sau khi Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) có hiệu lực, với vai trò chức năng quản lý, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cụ thể hóa Luật để phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Trong đó, tập trung phân bổ lực lượng dân quân tự vệ về khu vực biên giới, phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn. Mặt khác, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo hướng “vững mạnh, rộng khắp” có cơ cấu quân số, thành phần phù hợp; tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho lực lượng vũ trang và nhân dân để đảm bảo Luật đi vào thực tiễn hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu còn chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Đến nay, tỉnh Lai Châu đã củng cố và kiện toàn trên 230 cơ sở dân quân tự vệ, với quân số chiếm 2,5% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ đảng viên năm 2021 đạt 23%; huy động 773 dân quân tự vệ với hơn 2.300 ngày công tham gia phòng, chống dịch COVID-19, gần 600 người tham gia khắc phục hậu quả thiên tai và hàng nghìn ngày công phát quang tầm nhìn đường và tuần tra biên giới.
Thượng tá Hoàng Văn Kỳ cho biết thêm: Từ khi Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) có hiệu lực, đã góp phần thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương, là hành lang pháp lý để quá trình xây dựng dân quân tự vệ ở cơ sở bảo đảm thuận lợi nhất, trên cơ sở đó tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Luật đã bám sát tình hình của từng địa phương và đơn vị, làm cơ sở cụ thể hóa các chế độ chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ, phù hợp hơn trong tình hình mới.
Tăng cường sự phối hợp
Để lực lượng dân quân tự vệ đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu còn chú trọng thực hiện quy chế phối hợp theo Nghị định 02, 03 của Chính phủ về việc phối hợp dân quân tự vệ với chính quyền địa phương cấp cơ sở, phối hợp với lực lựng công an, bộ đội, kiểm lâm trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an ninh biên giới, phòng chống cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy rừng.
Tại xã biên giới Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ hiện có 77 đồng chí dân quân tự vệ ở 9 bản. Để thực hiện tốt quy chế phối hợp, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã đã cắt cử anh em thay phiên nhau đi tuần tra và trực chốt với lực lượng biên phòng.
Đều đặn 2 ngày/tuần lực lượng dân quân tự vệ cùng với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng đi tuần tra, kiểm soát khu vực Đồn quản lý. Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hai lực lượng này ngày đêm kiểm soát đường mòn, lối mở để ngăn ngừa các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Họ vững vàng từng bước chân, mỗi khi tuần tra không phát hiện điều khả nghi, cán bộ, chiến sỹ biên phòng, dân quân tự vệ trở về đơn vị, tổ, trạm chốt để trao đổi, phân công nhiệm vụ cho ngày mới.
Anh Lý Kim Thắng, dân quân tự vệ bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ bảo vệ tài sản cho nhân dân và an ninh trật tự trên địa bàn, anh thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng tuần tra, kiểm soát biên giới. Công việc dẫu vất vả, khó khăn nhưng anh luôn được cấp trên và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp tốt với lực lượng biên phòng đảm bảo an ninh biên giới quốc gia.
Đánh giá về sự phối hợp của lực lượng dân quân tự vệ, Thiếu tá Trần Huy Huỳnh, Phó Chính trị viên, Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng cho rằng, từ khi lực lượng dân quân tự vệ xã phối hợp với Đồn đã giúp anh em trong Đồn rất nhiều. Việc kiểm soát, tuần tra biên giới siết chặt hơn do có thêm lực lượng. Trong quá trình phối hợp các đồng chí dân quân tự vệ có tinh thần trách nhiệm cao. Nhờ vậy, năm 2021 đơn vị đã phát hiện, bắt giữ hơn 40 vụ, với 81 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, mua bán ma túy.
Theo ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, địa phương luôn đánh giá cao sự đóng góp của lực lượng dân quân tự vệ trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là khu vực biên giới. Từ khi lực lượng dân quân tự vệ được tăng cường, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được đảm bảo tốt hơn, hạn chế việc vượt biên trái phép. Ngoài chế độ, chính sách trong mức quy định, chính quyền địa phương sẽ cố gắng tạo điều kiện và quan tâm, hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ cả về vật chất lẫn tinh thần để anh em yên tâm công tác, gắn bó với công việc.