Đây cũng là phương thức thực hiện dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính
Điểm giao dịch xã là một đặc thù riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội đang phát huy hiệu quả trong hoạt động tín dụng chính sách ở Hưng Yên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 161 điểm giao dịch xã đặt tại trụ sở của 161/161 xã, phường, thị trấn.
Cứ đến ngày 25 hàng tháng, chị Đỗ Thu Hiền, tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn thuộc thị Trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ lại có mặt tại điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ các thành viên trong tổ đến trả nợ hoặc vay vốn.
Chị Hiền cho biết, có rất nhiều chị em "ngại" tiếp cận với dịch vụ ngân hàng vì các thủ tục phức tạp, nhưng khi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội họ lại rất hài lòng bởi thủ tục đơn giản lại được hướng dẫn tận tình. Bên cạnh đó, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội về tận địa phương giải ngân, thu nợ đã giúp người vay thuận tiện rất nhiều trong việc di chuyển.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang cũng khẳng định, thông qua hoạt động tại điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đưa vốn chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh nhất, hạn chế được tiêu cực phát sinh trong hoạt động cho vay ưu đãi, đồng thời tiết giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với các dịch vụ ngân hàng.
Để phục vụ khách hàng tại điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hưng Yên đã thành lập các tổ giao dịch tại xã, được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng đảm bảo an ninh, an toàn để phục vụ cho phiên giao dịch tại xã. Tại các điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội niêm yết công khai các chương trình tín dụng chính sách, các quy trình, thủ tục, danh sách hộ vay vốn, số dư nợ, thời hạn trả nợ của từng người vay và nội quy giao dịch để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân cùng biết, giám sát hoạt động tín dụng chính sách.
Ông Đặng Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhận định, mô hình điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, cùng với hoạt động tích cực của tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo sự quản lý chặt chẽ vốn tín dụng chính sách xã hội từ khâu bình xét cho vay, sử dụng vốn vay đến khâu trả nợ, trả lãi. Cùng với đó, hoạt động tại các điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch, công sức của người vay, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.
Việc tổ chức giao dịch tại xã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Nhờ có hệ thống mạng lưới điểm giao dịch mà trên 95% tổng giá trị giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được thực hiện một cách thuận lợi tại nơi mà họ đang cư trú.
Chuyển tải kịp thời vốn chính sách đến với người nghèo
Bên cạnh hệ thống điểm giao dịch xã, mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn có vai trò quan trọng trong hoạt động chuyển tải nguồn vốn chính sách đến với người nghèo. Đó cũng là cầu nối giữa ngân hàng với người cần vốn, đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh nhất.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có gần 2.700 Tổ tiết kiệm vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại các thôn, khu phố với tổng số hơn .000 tổ viên đang dư nợ. Kết quả đánh giá xếp loại tổ tiết kiệm vay vốn hàng tháng có trên 98% tổ xếp loại tốt, không có tổ xếp loại yếu kém.
Chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ cho biết, tổ tiết kiệm vay vốn được thành lập nhằm tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động rất tích cực trong việc bình xét, giám sát hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, nợ quá hạn. Nhờ đó mà đồng vốn ưu đãi của Chính phủ được sử dụng đúng mục đích.
Theo chị Hiền, các thành viên trong tổ luôn có sự gắn kết thông qua các buổi sinh hoạt. Họ cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trong đời sống cũng như trong sản xuất, kinh doanh; cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng. Các tổ viên trong tổ tiết kiệm vay vốn cũng giúp đỡ nhau có thói quen thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có và quen dần với sản xuất hàng hóa, hoạt động tín dụng và tài chính.
Do đó, thông qua quản lý hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chuyển tải vốn chính sách đến tận tay người thụ hưởng một cách thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả và kinh tế, chính trị và xã hội. Nguồn vốn chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.