Theo ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Sóc Trăng có gần 29.000 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, xoài, vú sữa, sầu riêng, bưởi, cam, quýt… Hiện các nhà vườn rất quan tâm đến giống, quy trình canh tác, nguồn gốc sản phẩm để từng bước thâm nhập, xuất vào thị trường các nước như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Đến cuối tháng 9/2024, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã xây dựng được 108 mã vùng trồng trên các loại cây ăn quả đặc sản với diện tích hơn 605 ha và cấp 2 mã vùng trồng nội địa cho gần 45 ha trên cây quýt, dứa. Sóc Trăng cũng đã liên kết tiêu thụ trái cây tại các siêu thị được hơn 1.140 tấn quả; trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 200 tấn vú sữa và bưởi.
Ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang triển khai dự án về phát triển cây ăn quả đặc sản để duy trì và phát triển bền vững một số loại cây ăn quả đặc sản, thế mạnh; hỗ trợ các địa phương quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung; hướng dẫn chuyển giao các kỹ thuật canh tác cây ăn quả theo hướng hữu cơ; quy trình VietGAP; GlobalGAP... để từng bước nâng cao giá trị và đem lại lợi nhuận cho nhà nông.
Hiện mít ruột đỏ là một trong những mô hình trồng cây có hiệu quả cao tại Sóc Trăng. Như nhà nông Đặng Hữu Lễ ở xã Song Phụng, huyện Long Phú, với 2 ha trồng mít nhưng sau vài năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Lễ, so với nhiều loại cây trồng khác như nhãn, vú sữa, quýt..., cây mít ruột đỏ giống Mã lai dễ trồng hơn, đặc biệt là quả có trọng lượng lớn. Cây trồng phát triển nhanh, ít bị sâu bệnh nên hạn chế được việc sử dụng các loại thuốc phòng trị, giảm đáng kể chi phí. Với những cây mít 3 - 4 tuổi, ông chỉ để vài quả trên cây, khi này quả sẽ to và giá tốt hơn.
Với kinh nghiệm lâu năm, ông Lễ có thể xử lý cho mít ra trái mùa, tập trung vào tháng 7, 8, 9 để giá mít cao hơn. Năm 2023, dù là vườn mít mới thu hoạch nhưng đã thu hơn 20 tấn quả, mang lại về lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Năm nay, vườn mới thu hơn 10 tấn mà lợi nhuận đã hơn 200 triệu đồng.
Mít ruột đỏ đang được thị trường ưa chuộng, có giá cao và đầu ra khá ổn định. Vào chính vụ, giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng trái vụ giá có thể lên tới 70.000 - 90.000 đồng/kg.
Tại Hợp tác xã Xóm Đồng 2, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách đang phát triển mô hình trồng cây vú sữa Bơ Hồng, đây cũng là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng tại địa phương.
Theo ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác Xóm Đồng 2, sau 3 năm thành lập, hợp tác xã đã mở rộng diện tích trồng vú sữa Bơ Hồng lên 36,5 ha, với thành viên. Nhờ vào điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, vú sữa Bơ Hồng sai quả, ngon, ngọt và đạt chuẩn tiêu chuẩn quy trình trồng nên được thị trường ưa chuộng.
Hợp tác xã này đã ký hợp đồng với các công ty xuất nhập khẩu để tiêu thụ sản phẩm và cung ứng khoảng 30 - 40% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và số còn lại cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng trái cây cao cấp nội địa.
Với các thành viên hợp tác xã, việc bao tiêu sản phẩm giúp giá bán luôn cao hơn thị trường từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, từ đó cải thiện kinh tế gia đình, tập trung mô hình kinh tế tập thể.
Năm 2022, vú sữa Bơ Hồng đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, có tem truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã đẹp giúp Hợp tác xã Nông nghiệp Xóm Đồng 2 nâng cao thương hiệu sản phẩm.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, Sóc Trăng đã phát triển nhiều mô hình trồng cây ăn quả; trong đó, mô hình trồng mít ruột đỏ và vú sữa Bơ Hồng là những mô hình có hiệu quả về mặt kinh tế rất cao. Với thị trường tiêu thụ tốt như hiện nay, nhiều mô hình như vậy sẽ được phổ biến đến các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp…
Theo Dự án Phát triển cây ăn quả đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023 - 2025, năm 2024, Ban Quản lý cải tạo 53 ha các loại cây trồng vú sữa, nhãn, bưởi, xoài và mãng cầu; trồng mới 15 ha các loại cây ăn quả như vú sữa, sầu riêng và mãng cầu; nâng cấp, cải tạo, trồng mới hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với quy mô tối thiểu từ 3 - 5 ha trở lên; tập huấn cho các hợp tác xã về nâng cao năng lực và 13 lớp xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Thông qua đề án hỗ trợ xây dựng 15 mô hình điểm áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học; hỗ trợ 5 mô hình rải vụ trên cây ăn quả; xây dựng 15 mã số vùng trồng, quy mô mỗi mô hình từ 10 ha trở lên; tổ chức 2 cuộc hội nghị liên kết tiêu thụ sản phẩm cấp tỉnh...
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo và đưa cán bộ về cơ sở hướng dẫn chuyển giao công nghệ, giúp người dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ kỹ thuật ghép cải tạo, trồng mới một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đang được thị trường ưa chuộng theo hướng tập trung thành vùng chuyên canh theo quy hoạch đề ra.