Ở thời điểm này, phần lớn diện tích lúa trong giai đoạn trổ chín. Mưa trái mùa trong những ngày qua làm cho lúa sập, đổ ngã, ngập nước. Lúa đang trong giai đoạn chín, gặp thời tiết bất lợi, không ít ngày nữa là thu hoạch mà gặp cảnh này thì nông dân chỉ biết kêu trời. Chi phí vật tư cùng các khoản chi phí khác tăng cao, lúa hư hỏng giảm năng suất, thu hoạch khó và giá cả bấp bênh.
Tại cánh đồng ở xã Phong Tân, thị xã Giá Rai, lúa trong giai đoạn chín, lại bị dồn dập mưa nhiều ngày, giờ toàn bộ khu vực chìm trong nước. Lúa ngã rạp trên đồng, người nông dân ngao ngán, thở dài. Những năm trước, thông thường Đông Xuân là vụ lúa mang lại lợi nhuận cao so với các vụ mùa khác trong năm, thế nhưng năm nay thì nhiều nông dân coi như trắng tay.
Ông Lê Văn Khải, ấp 5, xã Phong Tân tính tới tính lui, cũng chỉ ra kết quả: vụ lúa năm nay cầm chắc thua lỗ. Những cơn mưa trái mùa liên tiếp kèm dông lốc gây thiệt hại khoảng 30% diện tích lúa của gia đình. Để cứu lúa, ông Khải cũng như các hộ dân khác phải bơm nước từ ruộng ra kênh. Đây là lần đầu tiên sản xuất vụ lúa Đông Xuân khi đến thời lúa chín nông dân phải bơm nước ra thay vì bơm vào như mọi năm. Bơm nước ra, chi phí xăng dầu trong lúc giá xăng dầu tăng cao cũng không còn lợi nhuận.
Không riêng gì thị xã Giá Rai, tình trạng lúa bị hư hao, đổ ngã do mưa trái mùa diễn ra ở hầu khắp các địa phương vùng ngọt của tỉnh Bạc Liêu. Tại huyện Phước Long, nhiều diện tích lúa chỉ mới trổ đòng đã ngã rạp trong nước. Ông Huỳnh Văn Tèo, nông dân xã Vĩnh Phú Đông gieo sạ 1ha, cho biết thiệt hại trên những cánh đồng này ước tính là 50% diện tích. Lúa sập, không chỉ năng suất giảm, mà công cắt lúa cũng đội lên mấy chục phần trăm, do lúa sập khó cắt.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn của tỉnh, hiện tại thời tiết đang ở tháng 4, song lại chẳng khác gì tháng 9, tháng 10 khi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, mưa lớn kéo dài liên tục.
Trước những biến đổi bất thường của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức thống kê số diện tích thiệt hại, đồng thời triển khai thực hiện điều tiết vận hành Cống âu thuyền Ninh Quới trên kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp cũng như các cống ngăn mặn dọc theo tuyến quốc lộ 1A xả nước để cứu lúa. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân cần chủ động bơm tác giữ cho mặt ruộng khô ráo để vừa hạn chế hạt lúa lên mộng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho máy cắt khi vào thu hoạch.
Thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, mưa trái mùa kèm theo dông lốc những ngày qua đã làm trên 1.000 ha lúa Đông Xuân bị đổ ngã, thiệt hại từ 20- 70%, nhiều nhất là ở hai huyện Phước Long và huyện Hồng Dân. Có thể nói, trong những năm gần đây, chưa có năm nào mà sản xuất vụ lúa Đông Xuân với bà con nông dân Bạc Liêu lại bất lợi đến vậy.
Ngoài việc chịu thiệt hại bởi diễn biến bất thường của thời tiết, nông dân Bạc Liêu còn gặp nhiều khó khăn bởi chi phí đầu tư tăng trong khi giá lúa sụt giảm. Ở những nơi gieo sạ sớm, lúa thu hoạch trước thời điểm mưa trái mùa, năng suất lúa đạt khá cao, nhưng trừ đi chi phí đầu tư, lợi nhuận mà nông dân thu được cũng không cao, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/công.
Thời điểm này, hầu hết các loại lúa đều giảm bình quân từ 900 - 1.000 đồng/kg so với vụ trước. Cụ thể, giá lúa Đài thơm, Đài thơm 8 trên thị trường tại Bạc Liêu dao động từ 5.600- 5.900 đồng/kg lúa tươi; lúa RVT, ST 24- ST25 có giá giao động từ 7.300- 7.700 đồng/kg lúa tươi. Riêng giống lúa BLR 413 do Trung tâm giống Bạc Liêu nghiên cứu có giá bao tiêu là 6.800- 6.900 đồng/kg lúa tươi... Giá giảm, trong khi chi phí sản xuất tăng mạnh nên sau khi trừ chi phí lợi nhuận thì nông dân thu được chỉ bằng 50% so với vụ Đông Xuân 2020- 2021.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, chỉ riêng giá phân, thuốc bảo vệ thực vật đã tăng 2-3 lần so với vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021. Chi phí đầu vào tăng đang là trở ngại lớn đối với việc nâng cao lợi nhuận sản xuất đối với người nông dân.
Nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững, ngành nông nghiệp Bạc Liêu đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp; trong đó có đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, khuyến cáo nông dân áp dụng quy trình giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và quản lý tốt dịch hại. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất tập thể để giảm chi phí so với sản xuất riêng lẻ, từ đó có khả năng cạnh tranh và nâng cao lợi nhuận.