Ngư dân Quảng Nam cam kết thực hiện các quy định để gỡ bỏ thẻ vàng IUU

Ngày 6/2, vài giờ trước khi nổ máy đưa tàu câu mực mang số hiệu QNa 904 TS với công suất 820 CV của mình rời cảng ra khơi trong chuyến biển đầu tiên sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thuyền trưởng kiêm chủ tàu Lê Quang Ảnh (ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đem toàn bộ giấy tờ đến Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà để đăng ký, làm các thủ tục xuất bến. 

Chú thích ảnh
Ngư dân Núi Thành cam kết thực hiện đầy đủ các quy định để góp phần gỡ bỏ thẻ vàng do khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định về chống đánh bắt hải sản (IUU) do Uỷ ban châu Âu đưa ra. Ảnh: TTXVN phát

Các giấy tờ bao gồm danh sách thuyền trưởng, thuyền phó, các vị trí làm việc trên tàu của từng lao động, hợp đồng bảo hiểm vỏ tàu, bảo hiểm thuyền viên và bảng đăng ký hành nghề của phương tiện.

Thuyền trưởng Lê Quang Ảnh chia sẻ: Hiện nay, để đi biển, bà con ngư dân không chỉ có phương tiện, ngư lưới cụ, thiết bị dò tìm luồng cá, phương tiện bảo quản sản phẩm hiện đại, còn phải chấp hành đầy đủ các quy định trong quá trình khai thác hải sản trên biển theo Luật Thủy sản. Đối với tàu đánh bắt xa bờ, những yêu cầu này càng khắt khe hơn để hạn chế tình trạng khai thác sang vùng ngư trường của nước bạn. 

Đặc biệt, thông qua các buổi nói chuyện của các cơ quan chức năng, Đồn Biên phòng, Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư, bà con ngư dân càng ý thức được việc chấp hành đầy đủ các quy định trong quá trình làm ăn trên biển. Việc này không những góp phần xây dựng ngành kinh tế thủy sản hiện đại và bền vững, còn góp phần gỡ bỏ thẻ vàng thủy sản do Ủy ban châu Âu đưa ra.

Kinh tế biển đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong năm 2023, ngư dân Núi Thành đặt mục tiêu khai thác đạt 53 nghìn tấn hải sản các loại. Để đạt mục tiêu này, ngoài việc đẩy mạnh chương trình cải hoán, nâng cao công suất tàu thuyền, tất cả tàu thuyền của ngư dân trong huyện, nhất là tàu xa bờ đều được trang bị đầy đủ các loại máy định vị, máy định dạng, radar, máy Icom tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, thiết bị định vị vệ tinh GPS. 

“Các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại không những giúp chúng tôi kịp thời hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm ăn trên biển, mà còn giúp cơ quan chức năng nắm bắt chi tiết quá trình, cũng như những khu vực hoạt động để kịp thời hướng dẫn chúng tôi vào vùng an toàn khi thời tiết trên biển diễn biến bất thường. Đặc biệt, đây là "một kênh" xác nhận khách quan về quá trình làm ăn trên biển của phương tiện", thuyền trưởng Lê Quang Ảnh cho biết thêm.

Xây dựng ngành kinh tế biển hiện đại, bền vững

Tại các vùng nước neo đậu tàu, thuyền của ngư dân thành phố Hội An, Duy Xuyên và Thăng Bình, sáng 6/2, hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân đã nối đuôi nhau thẳng tiến ra biển. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố Hội An hiện có hơn 700 tàu, thuyền các loại, trong đó còn gần 100 chiếc có công suất lớn. Sau những ngày nghỉ Tết, nhất là trong ngày 6/2, (tức 16 tháng Giêng), ngư dân Hội An đã hối hả vươn khơi.

Để từng bước xây dựng ngành kinh tế biển hiện đại, bền vững, những năm qua, thành phố Hội An đã phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là với lực lượng Bộ đội biên phòng cung cấp hàng vạn tờ rơi, tổ chức hàng chục buổi nói chuyện, tuyên truyền về Luật Thủy sản, về chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển, khai thác chống lấn vào vùng ngư trường nước bạn để bà con ngư dân biết, thực hiện đầy đủ. Mặt khác, đến nay tất cả tàu có công suất lớn của ngư dân Hội An đã trang bị đầy đủ các phương tiên đi biển, thông tin liên lạc hiện đại. 

“Trong những đợt bão lớn vào cuối năm 2022, những thiết bị này đã đáp ứng được yêu cầu thông tin liên lạc giữa phương tiện này với phương tiện khác, giữa tàu thuyền đang trên biển với đất liền và với các Trạm trực canh ven bờ, Đồn biên phòng và lực lượng chức năng trên biển để hỗ trợ ngư dân đưa phương tiện tránh bão kịp thời và an toàn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Phạm Viết Tích cho biết: Năm 2023, ngư dân Quảng Nam khai thác đạt 94 nghìn tấn hải sản các loại. Tỉnh Quảng Nam cũng đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá, như nâng cấp cảng cá Hồng Triều, cảng cá Tam Quang; khuyến khích ngư dân phát triển dịch vụ cung cấp nhiên liệu trên biển, nâng cao khả năng bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao giá trị kinh tế sau mỗi chuyến biển.

Đồng thời, Quảng Nam đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để ngư dân tự giác chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản, chấp hành đầy đủ các quy định về chống khai thác đánh bắt hải sản trái phép để góp phần sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU (chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Khắc phục 'Thẻ vàng' IUU: Kiên Giang tập trung cao điểm trong 180 ngày
Khắc phục 'Thẻ vàng' IUU: Kiên Giang tập trung cao điểm trong 180 ngày

Tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trong 180 ngày, từ tháng 12/2022 - 5/2023, góp phần cùng cả nước quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN