Để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác sử dụng, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý, khai thác và bố trí kinh phí sửa chữa, bảo trì các công trình cầu treo dân sinh.
Theo Sở Giao thông vận tải, địa phương có nhiều cầu treo dân sinh là huyện miền núi Minh Hóa với 9 cầu, gồm: cầu Hóa Thanh (xã Hóa Thanh), cầu Vực Rò (xã Trung Hóa), cầu Thượng Hóa (xã Thượng Hóa), cầu K-Reeng (xã Dân Hóa), cầu Tăng Hóa và cầu Thuận Hóa (xã Hóa Sơn), cầu K-OÓC, cầu bản Ông Tú và cầu Roong (xã Trọng Hóa). Tiếp đó là các huyện Tuyên Hóa và Bố Trạch với 5 cầu/huyện và huyện Quảng Ninh có 2 cầu. Các cầu treo dân sinh này có ý nghĩa quan trọng đối với người dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối giao thông vùng khó khăn vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương…
Qua công tác kiểm tra hiện trường và làm việc với các địa phương có công trình cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch năm 2023, Sở Giao thông vận tải đã phát hiện một số tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình.
Cụ thể, công tác quản lý, khai thác và bảo dưỡng cầu tại hầu hết các địa phương chưa được quan tâm thực hiện. Tại thời điểm kiểm tra, các công trình cầu vẫn xuất hiện tình trạng kết cấu thép bị ăn mòn và xuống cấp như: chân trụ tháp, cáp chủ thanh neo, tăng đơ, yên ngựa bị gỉ sét, lan can thép cầu bị gãy, mặt cầu oằn võng… Đặc biêt, cầu Chày Lập (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch) hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông.
Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đề nghị các địa phương căn cứ quy trình và sổ tay quản lý bảo trì cầu treo dân sinh khẩn trương thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trong quản lý, khai thác và bảo trì các công trình cầu treo dân sinh.
Đối với các cầu đang sửa chữa, bảo trì như: Đồng Tân, Phú Xuân, Vĩnh Xuân, Kim Tiến và Bản Kè (huyện Tuyên Hóa), địa phương cần rà soát, bổ sung các giải pháp kỹ thuật đối với các kết cấu chịu lực chính, quan trọng của hệ cầu nhằm đảm bảo an toàn khai thác cầu và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn (chủ quản lý sử dụng công trình) tổ chức công tác bảo trì công trình theo quy định. Thực hiện sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, xuống cấp của hệ cầu như: hệ thanh treo, mặt cầu, lan can, hệ neo, giằng gió, tăng đơ, cáp chủ và bảng nội quy cầu để đảm bảo an toàn khai thác công trình. Đồng thời, tiến hành phát quang và vệ sinh xung quanh trụ tháp, mố neo và đầu nhịp, bảo dưỡng hệ cáp treo, giằng gió, neo, chân trụ tháp đảm bảo yêu cầu.
Đối với cầu Chày Lập, Sở Giao thông vận tải yêu cầu UBND thị trấn Phong Nha (chủ quản lý sử dụng công trình) khẩn cấp khắc phục các hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng như: hệ cáp chủ, dầm, mặt cầu, lan can... của cầu. Tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông qua cầu và bảo vệ công trình; cắm lại bảng nội quy cầu và có biện pháp quản lý tải trọng qua cầu; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành nội quy qua cầu theo quy định. Tổ chức theo dõi thường xuyên tình trạng hoạt động của cầu và việc chấp hành giao thông của người dân để có các biện pháp đảm bảo an toàn công trình.
Các địa phương căn cứ quy trình và sổ tay quản lý bảo trì cầu treo dân sinh để lập kế hoạch sửa chửa lớn các cầu treo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo tuổi thọ, an toàn công trình và an toàn giao thông.