Cụ thể, tổng số nợ đến thời điểm 30/6/2022 đã loại trừ nợ dưới 30 ngày (không tính lãi) là 2.135 đơn vị với tổng số tiền là hơn 897 tỷ đồng. Trong đó, hiện nay, Bình Dương có 23 doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội với số tiền hàng chục tỷ đồng, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra xử lý.
Một trong những nguyên nhân nợ bảo hiểm được xác định là do tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn ảnh hưởng bởi cao điểm của đại dịch COVID-19. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 976 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 47,9% so cùng kỳ năm 2021; 205 doanh nghiệp đăng ký giải thể, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: Để hạn chế tình trạng nợ đọng, thời gian tới Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương sẽ triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như: Thường xuyên đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thực hiện chuyển nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo quy định; thông tin, tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội tỉnh cũng thực hiện quyết định số 10/2018/QĐ-UBDND ngày 27/4/2018 của UBND tỉnh về ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập; phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hướng dẫn đơn vị thực hiện nghĩa vụ trích nộp hết nợ bảo hiểm xã hội trước khi giải thể; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành và Bảo hiểm xã hội chủ động thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất xử lý vi phạm và thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Năm 2022, Bảo hiểm xã hội và Công an tỉnh đã ký Quy chế phối hợp số 03/QC-BHXH ngày 11/05/2022 về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (trong đó có một số biện pháp phối hợp thu nợ bảo hiểm xã hội kéo dài)
Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng công khai danh sách các đơn vị nợ lâu, nợ khó đòi, số nợ lớn lên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với nhóm nợ khó thu của đơn vị giải thể, phá sản, ngưng hoạt động, chủ bỏ trốn, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ cho phương án xử lý. Trước mắt, theo quy chế phối hợp với ngành Công an, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ phối hợp mời một số đơn vị nợ khó thu lên làm việc để củng cố hồ sơ xử lý các bước tiếp theo nếu có dấu hiệu trốn đóng theo Điều 216 - Bộ Luật Hình sự.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2022 tổng số thu bảo hiểm xã hội đạt 11.772 tỷ đồng, đạt 46,2% kế hoạch năm, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc là 9.275 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu bảo hiểm xã hội tự nguyện là 27 tỷ đồng, tăng 3%. Số thu bảo hiểm thất nghiệp 375 tỷ đồng, giảm 49,8%. Số thu bảo hiểm y tế 2.096 tỷ đồng, giảm 3,2%.