Ông Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh cho biết, việc hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số được Liên minh Hợp tác xã tỉnh tập trung hỗ trợ các thành viên hợp tác xã tiếp cận công nghệ số ứng dụng vào quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh, quảng bá, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, giúp mở rộng thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ.
Hoạt động hỗ trợ được Liên minh Hợp tác xã tỉnh ưu tiên hiện nay là phối hợp với Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam tổ chức khóa đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý và ứng dụng công nghệ chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên hợp tác xã. Cùng đó, cán bộ, nhân viên hợp tác xã sẽ được đào tạo nắm vững, kỹ năng, nghiệp vụ về kiểm soát kinh phí, quản lý, giao tiếp, bán hàng và chăm sóc khách hàng, giải quyết vấn đề. Ngoài ra, hướng dẫn hợp tác xã ứng dụng phần mềm quản lý sản phẩm và hoạch toán bằng phần mềm kế toán WACA, kỹ năng FaceFram, hướng dẫn đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, giúp hoạt động hợp tác xã chuyên nghiệp và đạt hiệu quả hơn.
Thông qua sự phối hợp, Công ty Sorimachi còn hỗ trợ cho lãnh đạo các hợp tác xã đánh giá, phân tích, những điểm yếu trong hoạt động để khắc phục; tạo điều kiện cho các hợp tác xã ứng dựng phần mềm quản lý FaceFram, giúp quản lý đồng ruộng và các hoạt động sản xuất, đầu vào đầu ra…, tạo thuận lợi cho các hợp tác xã khi đăng ký thương hiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Ông Thái Phước Lộc cho biết thêm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam vừa tổ chức bế giảng khóa đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý và ứng dụng công nghệ chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên hợp tác xã, với 46 học viên tham gia học tập. Hiện đã có 40 hợp tác xã thực hiện ứng dụng phần mềm kế toán WACA, rất thuận lợi trong việc hạch toán sản xuất, kinh doanh.
Từ nay đến cuối năm 2023, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã trong tỉnh chuyển đổi số, giúp nâng cao về quản lý sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ trong chế biến, sản xuất tạo nhiều sản phẩm chất lượng đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường, giúp các hợp tác xã làm ăn hiệu quả vững chắc.