Họ là những “cây đại thụ” che chở, bảo vệ buôn làng khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Các già làng, người có uy tín đã phát huy rõ nét vai trò của mình trong công tác vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ những tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự ở các buôn làng.
Thôn K’dung, xã H’ra, huyện Mang Yang từng là một điểm nóng do tà đạo Hà Mòn xâm nhập. Nhận thấy những hậu quả do tà đạo Hà Mòn gây ra, ông Y Thành (sinh năm 1958, dân tộc thiểu số Bahnar, người có uy tín của thôn K’dung) đã cùng các cấp chính quyền vận động, tuyên truyền người dân tránh lầm đường lạc lối, không tin, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, chăm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ông Y Thành kể lại, khoảng 15 năm trước, tà đạo Hà Mòn xâm nhập đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, vợ chồng ly tán, con cái không được đến trường. Trước tình hình đó, ông đã cùng các cấp chính quyền địa phương đồng hành và tuyên truyền cho người dân hiểu để bài trừ. Nhờ đó, hiện nay, thôn K’dung đã có một diện mạo mới. Điện, đường, nước sạch và các thiết chế cơ bản đều đã đến với bà con Bahnar nơi đây. Bộ mặt thôn K’dung hôm nay là những vườn cây cà phê xanh mướt, những ngôi nhà sàn, nhà xây khang trang, sạch đẹp…
Nơi vùng biên giới Đức Cơ có những người có uy tín điển hình như già làng Siu Beo (ở làng Mook Đen 2, xã Ia Dom). Xác định trách nhiệm của mình là vun đắp, củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, nhiều năm qua, ông luôn dành thời gian tuyên truyền, vận động dân làng nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa âm mưu từ các thế lực xấu gây chia rẽ dân tộc. Từ đó, các già làng động viên bà con yên tâm chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Già làng Siu Deo chia sẻ, đối với đồng bào, mình phải khiêm tốn, tôn trọng; đối với công việc, phải kiên trì nhẫn nại; đối với kẻ xấu phải thẳng thắn, đấu tranh. Nhờ đó, mình đã động viên được người dân ở đây cùng nghe theo.
Tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 43 dân tộc thiểu số chiếm 46% dân số của tỉnh. Với hơn 900 già làng, người có uy tín, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền, vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng thôn ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, bộ mặt thôn, làng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng cao, các hoạt động văn hóa - xã hội ngày một phát triển, tình hình an ninh - trật tự luôn được giữ vững.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên khẳng định, vai trò của người uy tín hết sức quan trọng, họ là trung tâm của sự đoàn kết và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Đời sống của nhân dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở các thôn làng được giữ vững và phát huy. Bản sắc văn hóa của từng đồng bào dân tộc thiểu số được gìn giữ. Các cấp ủy chính quyền địa phương từ huyện đến tỉnh rất quan tâm, trân trọng đối với vai trò của các già làng, những người có uy tín.
Theo bà Phạm Thị Phước An, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc, toàn quốc hiện có 28.5 người có uy tín, trong đó Gia Lai là tỉnh có số lượng người có uy tín đứng thứ 12 toàn quốc và là địa phương có số lượng người có uy tín đông nhất vùng Tây Nguyên. Người có uy tín luôn là tấm gương sáng, đi đầu và là cánh chim đầu đàn trong cộng đồng.
“Qua theo dõi, tôi đánh giá cao những đóng góp của người có uy tín ở Tây Nguyên trong công tác thực hiện chính sách dân tộc và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Tại Gia Lai, họ đóng góp một phần rất quan trọng trong việc xây dựng thôn, làng, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, người có uy tín trên cả nước nói chung, tại Gia Lai nói riêng sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa chính quyền cơ sở và người dân” - bà Phạm Thị Phước An chia sẻ thêm.
Những người có uy tín ở Gia Lai không chỉ được kính trọng bởi bà con dân tộc thiểu số mà còn được các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh ghi nhận, biểu dương. Hàng năm, tỉnh Gia Lai đều tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi và lắng nghe ý kiến của người có uy tín để giải quyết những vấn đề khó khăn, thắc mắc của nhân dân. Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của người có uy tín, như chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt, chi phí y tế… Tỉnh tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín về các lĩnh vực như pháp luật, kinh tế, y tế, giáo dục… để họ có thể nắm bắt được những thông tin mới nhất và truyền đạt cho bà con.
Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp chính quyền, những người có uy tín ở Gia Lai có điều kiện thuận lợi hơn để hoàn thành công việc của mình. Họ đã trở thành những người bạn thân thiết, đồng cam cộng khổ, cùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai giữ vững niềm tin vào Đảng, Nhà nước và mục tiêu đoàn kết dân tộc.