Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh đề nghị, để hoàn thành mục tiêu của nghị quyết trong thời gian còn lại, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung rà soát, tiếp tục kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả chủ trương phát triển công nghiệp, nhất là Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết có liên quan.
Ông Nguyễn Đức Thanh nêu rõ, thời gian tới, tỉnh cũng tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2031, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện quan trọng, dự án ưu tiên đầu tư tới năm 2030; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư Cảng biển tổng hợp Cà Ná, hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư các cụm công nghiệp đã được bổ sung vào Quy hoạch tỉnh.
Ngoài ra, Ninh Thuận tiếp tục triển khai phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó ưu tiên đào tạo lao động ngành năng lượng, năng lượng tái tạo. Địa phương đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong công nghiệp; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp…
Năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17- 8%/năm; tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 29-30% giá trị GRDP toàn tỉnh. Tỉnh tập trung triển khai, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có lên 50%; tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ và một số ngành công nghiệp khác.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận Phạm Văn Hậu, qua 3 năm triển khai Nghị quyết 18, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được tỉnh cụ thể hóa sát hợp tình hình thực tiễn của địa phương mang lại hiệu quả tích cực; nhất là năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến...
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Nghị quyết số 18 đề ra 4 chỉ tiêu rất cụ thể. Đến nay có 2 chỉ tiêu đạt khá, đó là giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,92% năm (bằng 88,93% mục tiêu nghị quyết đề ra); tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên có 2 chỉ tiêu còn khó khăn, đó là tổng công suất các nhà máy điện đưa vào vận hành chưa đạt; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đạt thấp... Không những thế, việc đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất công nghiệp còn hạn chế; nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đã tạo lực cản cho phát triển công nghiệp của tỉnh.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích và làm rõ những nguyên nhân, hạn chế kìm hãm tốc độ tăng trưởng phát triển công nghiệp của tỉnh. Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, nhiều cơ chế, chính sách tuy đã đề ra nhưng vẫn còn bị vướng khi triển khai, chưa được tháo gỡ kịp thời. Đối với phát triển năng lượng tái tạo, nhất là quy hoạch điện VIII, vừa qua, Ninh Thuận phải chủ động làm việc trực tiếp với Bộ Công Thương để tìm hướng tháo gỡ. Hiện nay, tiến độ các dự án hạ tầng truyền tải điện và Thủy điện tích năng Bác Ái vẫn chậm do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Dự án điện khí LNG Cà Ná cũng chậm do thủ tục phức tạp, kéo dài, phải lấy ý kiến nhiều bộ, ngành. Công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn, năng lực sản xuất mới tăng chậm; đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp triển khai chậm do cơ chế, năng lực đầu tư…