Đây là những con số đầy “ấn tượng” của Phú Thọ trong 3 năm thực hiện khâu đột phá chiến lược “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh”. Nửa nhiệm kỳ - Một khâu đột phá - bám sát phương châm đồng hành với doanh nghiệp, chưa bao giờ môi trường đầu tư kinh doanh của Phú Thọ lại chuyển động mạnh mẽ đến vậy.
Bài 1: Kiến tạo lợi thế, đón “sóng” đầu tư
Sẵn sàng mọi điều kiện đón các nhà đầu tư, “coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh”, Phú Thọ đã hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đến tin cậy của với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Hiện nay, các nhiều doanh nghiệp quan tâm đến Phú Thọ do ba yếu tố: Vị trí thuận lợi với quỹ đất lớn; chính quyền năng động, đồng hành; nguồn nhân lực dồi dào”, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Biến tiềm năng thành lợi thế
Nổi lên trên “bản đồ” thu hút đầu tư của cả nước những năm gần đây với các thế mạnh về vị trí địa lý, quỹ đất, nguồn nhân lực, Phú Thọ đã thành lập Ban vận động xúc tiến đầu tư của tỉnh; xây dựng kế hoạch xúc tiến 5 năm bài bản, rõ ràng.
Hằng năm, tỉnh đều rà soát, điều chỉnh, ban hành danh mục dự án, ngành nghề lĩnh vực ưu tiên, điều kiện, địa bàn, thị trường mục tiêu thu hút đầu tư .
Thay vì “chờ” nhà đầu tư tìm đến, tỉnh đã tự nghiên cứu, tiếp cận thị trường tiềm năng, xu hướng đầu tư mới, tìm hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp để có các giải pháp “đón” làn sóng đầu tư.
Phú Thọ đã chú trọng công tác xây dựng quy hoạch, huy động tối đa các nguồn lực để “thay áo” cho hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông được kết nối thông suốt giữa các vùng của tỉnh với khu vực và quốc gia; hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp hiện đại; hạ tầng điện, nước và các dịch vụ ngân hàng, viễn thông đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã cải tạo, đầu tư mới, nâng cấp 18 tuyến đường với chiều dài 251km. Phú Thọ đã đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1 - 356ha) Khu công nghiệp Phú Hà, Khu công nghiệp Thụy Vân mở rộng (335ha); đang triển khai hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Cẩm Khê (450ha); Khu công nghiệp Trung Hà (200ha).
Đến nay, toàn tỉnh có 4/7 khu công nghiệp, 26/28 cụm công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng đưa vào sử dụng hoặc sử dụng từng phần. Tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực 5 năm và hằng năm nhằm chuẩn bị đủ nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao theo các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.
"Chủ động tiếp cận, đối thoại về hướng phát triển của tỉnh; giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh và cơ hội, chính sách đầu tư tới các doanh nghiệp, các thị trường trọng điểm… chính là cách tỉnh Phú Thọ đang vận dụng để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả. Hệ thống dữ liệu, thông tin, tài liệu xúc tiến đầu tư được chuẩn hóa từ cơ sở dữ liệu về cơ sở hạ tầng, hệ thống quy hoạch, chính sách, thủ tục đến quy trình đầu tư", ông Trần Giang - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, khẳng định.
Phương thức xúc tiến đầu tư được đổi mới theo hướng kết hợp giữa tổ chức các hội nghị nhà đầu tư với tiếp cận trực tiếp. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Kim Myung Hwan - Chủ tịch Công ty TNHH JNTC Vina (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì) cho biết: "Sau một thời gian đầu tư, kinh doanh tại Phú Thọ, chúng tôi nhận thấy những tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực của tỉnh đồng thời được nhận hỗ trợ rất lớn từ phía các cơ quan chức năng của tỉnh. Do đó chúng tôi rất yên tâm tập trung đầu tư sản xuất, mở rộng dây chuyền để phát triển ổn định, bền vững tại Phú Thọ và sẵn sàng giới thiệu với các doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại đây".
Gỡ “nghẽn” mặt bằng sạch
Nhận thấy mặt bằng sạch là băn khoăn lớn nhất của mọi nhà đầu tư, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Phú Thọ chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, từng bước gỡ nút thắt về đất đai “cản trở” doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh. Quyết liệt trong chỉ đạo giải phóng mặt bằng ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đã góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.
Dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Cẩm Khê do Công ty cổ phần Xây dựng Đức Anh là chủ đầu tư, được triển khai năm 2017 với diện tích quy hoạch 450ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 2.478 tỷ đồng. Thời gian qua, việc triển khai xây dựng bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Cùng chủ đầu tư giải quyết khó khăn này, UBND tỉnh, UBND huyện Cẩm Khê đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo quyết liệt công tác tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng với tinh thần “khó ở đâu, gỡ ở đó”.
Huyện đã tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận; phối hợp tốt với các tổ chức, đoàn thể để thực hiện tuyên truyền vận động Nhân dân; trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân, nghe các kiến nghị, vướng mắc của Nhân dân để phản ánh kịp thời đến chính quyền giải quyết.
Đồng thời, đặc biệt quan tâm thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư… trong đó việc khảo sát, đánh giá giá trị thửa đất cũng được thực hiện thận trọng, chính xác, đúng chính sách và sát với thực tế thị trường.
Tạo điều kiện tối đa cho người dân, tuy nhiên huyện cũng kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp không chấp hành quy định để dự án triển khai đúng tiến độ.
Gần đây nhất, ngày 20/10/2023, UBND huyện Cẩm Khê tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với 2 hộ dân để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Khu tái định cư Đồng Bạc - 1 trong 5 khu tái định cư để phục vụ dự án.
Ông Nguyễn Đức Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Đức Anh cho biết: Tỉnh Phú Thọ cũng như chính quyền huyện Cẩm Khê, đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi hoạt động từ thủ tục giấy phép đầu tư đến quá trình triển khai thi công xây dựng, đặc biệt là trong khâu then chốt giải phóng mặt bằng. Đến nay, diện tích dự án đã ban hành thông báo thu hồi đất là 407,1ha; diện tích đã được phê duyệt phương án bồi thường 326,1ha, đạt 80% tổng diện tích phải thu hồi; diện tích đã giải phóng mặt bằng 317,6ha, đạt 97% diện tích đã được phê duyệt phương án bồi thường; diện tích đã được chuyển đổi mục đích và giao đất 139,5ha, đạt 43,2% diện tích đã giải phóng mặt bằng sạch. Trong đó, chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng xong 100% phân kỳ giai đoạn 1 và 2; đã thực hiện san lấp mặt bằng 80% phân kỳ giai đoạn 3 và 10% phân kỳ giai đoạn 4; đồng thời thu hút 25 dự án vào đầu tư, xây dựng nhà máy.
Huyện Cẩm Khê đang huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tổ chức giải phóng mặt bằng, phấn đấu sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư 183,4ha trong năm nay.
Tính chung toàn tỉnh, từ năm 2020 đến nay đã thu hồi 766,8ha đất, trong đó đã bàn giao trên 500 ha đất sạch các dự án trọng điểm. Cùng với đó, Phú Thọ còn có chính sách hỗ trợ đầu tư về kết nối hạ tầng khu công nghiệp và chi phí san lấp mặt bằng; cung cấp các dịch vụ liên quan đến điện, nước, viễn thông tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, đường giao thông đến ngoài hàng rào các khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Nhờ đó nhiều dự án quy mô lớn, bàn giao nhanh mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Bài 2: “Giữ lửa” cải cách hành chính