Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh hiện có 39 làng nghề, trong đó có 18 làng nghề truyền thống (như đóng xuồng, dệt chiếu, trồng hoa kiểng, làm bột, làm nem…) được xem là nguồn tài nguyên văn hóa bản địa độc đáo, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách; là nhân tố có khả năng làm nổi bật hơn bức tranh du lịch của địa phương. Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi mới mang lại lợi ích lâu dài, phù hợp với đề án phát triển du lịch của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân và bảo tồn những giá trị văn hóa.
Về giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch địa phương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, chính quyền địa phương cần có những chính sách phù hợp, hoạt động cụ thể, thiết thực; trước hết là lập quy hoạch, đưa phát triển làng nghề và du lịch làng nghề vào các văn bản, nghị quyết, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các làng nghề thường nằm ở vùng nông thôn, đường giao thông chưa thuận tiện cho phát triển du lịch. Vì vậy, địa phương cần mở rộng, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách dễ tiếp cận với các làng nghề cũng như mở rộng cơ hội giao thương. Cảnh quan làng nghề cần được quy hoạch, thiết kế, trang trí phù hợp với hoạt động phát triển du lịch trên cơ sở phát huy giá trị kiến trúc và đặc trưng văn hóa bản địa. Đồng thời, tỉnh cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làng nghề thông qua phát triển du lịch; trên cơ sở đó, khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng địa phương vào hoạt động phát triển du lịch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh, Đồng Tháp cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và hình ảnh thông qua các hoạt động trực tiếp như hội chợ xúc tiến, triển lãm, lễ hội, các đoàn famtrip hay qua các ấn phẩm truyền thông; đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ làng nghề, hướng đến gia tăng trải nghiệm tại chỗ, khuyến khích du khách mua mang về để sử dụng và làm quà tặng. Địa phương cần lưu ý các hoạt động trải nghiệm; gắn phát triển du lịch làng nghề với xây dựng nông thôn mới và chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh cần liên kết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, tạo ra các sản phẩm và tour du lịch kết hợp văn hóa - làng nghề - sinh thái - di tích lịch sử để khai thác tốt các tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách; chú trọng việc liên kết giữa các làng nghề cũng như các điểm tham quan khác, hấp dẫn trên địa bàn nhằm kéo dài ngày lưu trú của du khách, nâng cao doanh thu từ hoạt động du lịch tại các làng nghề.
Bà Nguyễn Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong đề xuất thí điểm xây dựng một số làng nghề truyền thống tiêu biểu kiểu mẫu, ứng dụng công nghệ trong tiếp thị điểm đến du lịch làng nghề thông qua màn hình cảm ứng; kết nối wifi miễn phí; các ứng dụng di động được tải miễn phí; ứng dụng thực tế ảo tăng cường và dịch vụ an toàn, sức khỏe…
Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ, phân tích, đánh giá tiềm năng, thực trạng du lịch làng nghề, làng nghề truyền thống của Đồng Tháp. Đa số các chuyên gia cho rằng, Đồng Tháp có tiềm năng lớn để phát triển du lịch làng nghề, sản phẩm của làng nghề được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, để phát triển du lịch, địa phương còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu các tour du lịch đến các làng nghề; sự tham gia phát triển du lịch làng nghề của người dân chưa cao; dịch vụ phục vụ khách tham quan tại các làng nghề còn thô sơ, thiếu sức hút; giao thông đến các làng nghề còn khó khăn…
Các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh địa phương gắn với xây dựng nền văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình - năng động - sáng tạo; quảng bá, xúc tiến sản phẩm làng nghề kết hợp hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn; xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề gắn với quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương trên môi trường số...