Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Phú Yên đã tận dụng những tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành thủy sản như thế nào?
Thưa ông, ông có thể chia sẻ về những tiềm năng và lợi thế của ngành thủy sản Phú Yên?
Tỉnh Phú Yên có chiều dài bờ biển trên 189 km; có 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển với 26 xã, phường có đội tàu khai thác thủy sản hơn 1.930 chiếc, đánh bắt trên 63.000 tấn thủy sản mỗi năm. Tỉnh còn có nhiều đầm, vịnh, vùng bãi triều nước lợ, cửa sông với diện tích hơn 20.000 ha và hàng nghìn hécta vùng biển mở rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa mang lại thu nhập cao.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến thủy sản cũng phát triển ngày càng lớn mạnh. Toàn tỉnh hiện có trên 27 công ty, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Đây là những tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển ngành thủy sản Phú Yên bền vững. Ngoài ra, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và tầm nhìn quy hoạch tỉnh đến năm 2050 cũng xác định thủy sản là chuyên ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đây, tạo tiền đề và động lực to lớn cho ngành thủy sản Phú Yên triển khai những giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững.
Với tiềm năng và lợi thế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã có những giải pháp như thế nào để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa trong thời gian đến?
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tập trung tham mưu thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Về quy hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã tổ chức sắp xếp lại lồng bè nuôi tôm hùm ở các vùng đầm, vịnh ven bờ, phù hợp với sức tải môi trường, hài hòa với các ngành kinh tế du lịch và giao thông vận tải; phát triển nuôi công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường một số vùng trên bờ và vùng biển hở trên 3 hải lý. Nhiều loại tàu thuyền, ngành nghề trên biển cũng được cơ cấu lại phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản tại các vùng biển. Sở cũng đã triển khai các chương trình chuyển đổi nghề sang nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần vừa đảm bảo sinh kế cho ngư dân vừa phát triển thủy sản bền vững.
Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã đẩy mạnh ứng dụng một số công nghệ nuôi mới như nuôi tôm hùm trong bể trên bờ; nuôi tôm, cá ở vùng biển mở theo công nghệ Na Uy bằng các vật liệu làm lồng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; ứng dụng công nghệ đánh bắt, bảo quản cá ngừ của Nhật Bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành hàng chủ lực.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cũng đã duy trì, hỗ trợ các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, hình thành các chuỗi liên kết đa giá trị đối với tôm hùm và cá ngừ đại dương để phát triển ngành hàng bền vững, góp phần nâng cao đời sống ngư dân.
Thưa ông, hiện nay, lợi thế khai thác của vùng Nam Trung Bộ, trong đó riêng hai tỉnh Bình Định và Phú Yên có ngành đánh bắt cá ngừ đại dương và nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng. Vậy theo ông, vấn đề liên kết phát triển ngành thủy sản của hai địa phương đã đạt hiệu quả chưa?
Tỉnh Bình Định và Phú Yên đều có những lợi thế riêng để phát triển ngành thủy sản. Việc phát huy lợi thế còn phụ thuộc vào quan điểm chỉ đạo, chính sách phát triển và truyền thống của từng địa phương. Hiện nay, Bình Định có nhiều tàu câu cá ngừ đại dương hơn Phú Yên, ngược lại Phú Yên có nhiều lồng bè nuôi tôm hùm hơn Bình Định.
Về vấn đề liên kết phát triển ngành thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Đề án thí điểm “mô hình liên kết chuỗi đánh bắt, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương” 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa. Giữa các tỉnh cũng có quy chế phối hợp sản xuất, tiêu thụ giống thủy sản; các thỏa thuận đánh bắt chung vùng biển ven bờ giáp ranh; phối hợp cung cấp thông tin quản lý tàu cá, chống khai thác bất hợp pháp; chia sẻ, học tập kinh nghiệm về quản lý giống, nuôi trồng và khai thác thủy sản…
Mặc khác, trong thời gian qua, ngành hàng khai thác và nuôi trồng thủy sản đã hình thành và tồn tại các mối liên kết ngang, dọc. Như việc ngư dân tỉnh này chuyên câu mực cung cấp cho ngư dân tỉnh kia câu cá ngừ đại dương. Ở các tỉnh cũng hình thành nhóm tàu liên kết đánh bắt trên biển giữa nghề lưới vây với nghề câu cá ngừ, liên kết giữa các tàu khai thác với các chủ nậu, vựa và các công ty chế biến xuất khẩu.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định, các liên kết khai thác thủy sản giữa Bình Định và Phú Yên trong thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cũng nhìn nhận một số tồn tại, bất cập như: thiếu quy chế phối hợp, thiếu hợp đồng liên kết. Do vậy, trong thời gian tới, Sở tập trung đề ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập này; qua đó từng bước nâng cao hiệu quả trong liên kết trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản giữa hai tỉnh, thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững, góp phần vào sự thịnh vương chung của kinh tế biển.
Xin cảm ơn ông!