Lễ kỷ niệm có sự sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương, đại diện lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, các cựu chiến binh và đông đảo nhân dân... Trải qua 55 năm, với bao biến thiên thăng trầm, huyện Vũ Thư ngày nay đã trở thành một vùng quê trù phú, phát triển văn minh, tiến bộ nhưng vẫn gìn giữ những nét đẹp truyền thống tự ngàn đời.
Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử
Huyện Vũ Thư là mảnh đất có truyền thống văn hóa, văn hiến lâu đời. Dưới các triều đại phong kiến, huyện Vũ Thư là một trong những huyện có số người đỗ đạt cao nhất tỉnh Thái Bình. Trên địa bàn huyện còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với các lễ hội truyền thống, đặc biệt là di tích Quốc gia đặc biệt - chùa Keo.
Năm 1969, huyện Vũ Thư được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai huyện Thư Trì và Vũ Tiên, trong bối cảnh đất nước đang kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ những ngày đầu, huyện đã trải qua không ít khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm và lòng yêu nước, nhân dân huyện Vũ Thư đã vượt qua mọi trở ngại, gắn bó với nhau trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngay sau khi thành lập huyện, trong lao động sản xuất, huyện Vũ Thư đã tiên phong trong phong trào 5 tấn thóc/ha, tiêu biểu nhất có Hợp tác xã Tân Phong, xã Việt Hùng - lá cờ đầu của tỉnh Thái Bình và toàn miền Bắc được Bác Hồ khen thưởng. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, quân và dân Vũ Thư đã xây dựng được hệ thống phòng không nhân dân rất hiệu quả. Huyện hoàn thành mục tiêu “Thóc vượt cân, quân vượt mức” góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ thắng lợi.
Kết thúc 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Huyện đội Thư Trì và Huyện đội Vũ Tiên được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất. Huyện có 648 mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; 7 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng nghìn cá nhân, tập thể được tặng thưởng huân, huy chương các loại.
Bước vào thời kỳ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, huyện Vũ Thư gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nền kinh tế lạc hậu, đời sống nhân dân nghèo đói. Trước tình hình đó, huyện xác định không có con đường nào khác là phải đổi mới, trước hết đổi mới cách nghĩ, cách làm nhằm thoát khỏi những trì trệ, yếu kém. Nhờ vậy, Vũ Thư đã vươn lên giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Đất đai được giao ổn định lâu dài cho nhân dân; kinh tế hộ gia đình giữ vai trò tự chủ; cơ chế tập trung quan liêu bao cấp được xóa bỏ. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần hình thành và từng bước phát triển. Huyện có 3 Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Với những thành tích đã đạt được cùng nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Vũ Thư vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng, trong đó huyện được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2000; được Chính phủ tặng cờ thi đua năm 2008, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2018...
Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh
Tiếp nối những thành tựu đạt được trong 55 năm qua, bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư tự hào cho biết: Từ năm 1969 đến nay, tên huyện Vũ Thư không thay đổi nhưng có sự sáp nhập, chia tách một số xã. Huyện hiện có 29 xã, 1 thị trấn, tổng diện tích gần 197 km2, dân số hơn 230.500 người. Đến nay, kinh tế của huyện có tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm mạnh, ngành công nghiệp và thương mại chiếm gần 75%.
Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhờ đó tăng nhanh năng suất và sản lượng. Toàn huyện hiện đã tích tụ được 1.071 ha đất nông nghiệp; hình thành được 8 vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng và theo quy trình VietGAP. Chăn nuôi phát triển ổn định, cơ cấu vật nuôi đa dạng, mô hình nuôi cá lồng, ao bán nổi tiếp tục được mở rộng.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, ngành nghề dịch vụ phát triển mạnh mẽ, hầu hết làng nghề truyền thống được duy trì. Huyện có 7 cụm công nghiệp, tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Đến nay, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện đã lắp đặt trên 70km đường điện “thắp sáng đường quê”, có 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Mạng lưới giao thông phát triển và kết nối; các công trình điện, đường, trường, trạm tại các địa phương; trụ sở làm việc của Huyện ủy, UBND huyện và hầu hết các xã, thị trấn được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, góp phần tích cực đổi thay diện mạo nông thôn Vũ Thư.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện được quan tâm. Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tỷ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa hàng năm trên 90%. Công tác an sinh xã hội được huyện quan tâm chỉ đạo, hiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn 2,2%.
Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được huyện đặc biệt chú trọng. Vai trò lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực tiếp tục được khẳng định; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên rõ rệt. Huyện tập trung chấn chỉnh kỷ cương hành chính, từng bước đưa hoạt động công vụ nền nếp, chuyên nghiệp, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Hàng năm, huyện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận ghi nhận những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vũ Thư đã đạt được trong những năm qua. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vũ Thư cần có các giải pháp cụ thể, đột phá mạnh mẽ hơn nữa; phát huy nội lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương; thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, hành động quyết liệt và đoàn kết là sức mạnh, để thành công để xây dựng và phát triển huyện Vũ Thư.
Đặc biệt, huyện cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo các định hướng đã được chỉ ra trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, đó là xây dựng huyện Vũ Thư là trung tâm dịch vụ trung chuyển; dịch vụ tổng hợp; nông nghiệp công nghệ cao; kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái ven sông. Hướng phát triển trọng tâm là: Phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho vùng kinh tế chủ đạo thành phố Thái Bình.
Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ trên, huyện Vũ Thư cần khai thác, phát huy được các tiềm năng thế mạnh riêng có và tận dụng tối đa các dư địa phát triển. Thế mạnh hàng đầu của Vũ Thư chính là vị trí cửa ngõ phía Nam - Tây Nam của tỉnh Thái Bình cùng với điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thủy kết nối với thành phố Thái Bình, các huyện trong tỉnh và kết nối ra ngoài tỉnh, thế mạnh là huyện có nhiều cảnh quan tươi đẹp bên dòng sông Hồng, thế mạnh là huyện có chùa Keo, là di tích quốc gia đặc biệt và đặc biệt thế mạnh còn là truyền thống cần cù, sáng tạo, trình độ thâm canh rất cao của người dân, là sức mạnh của hệ thống chính trị...
Cùng với đó, huyện Vũ Thư cần quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và quản lý đất đai, đặc biệt là tiến độ, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quản lý đất đai; tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với điểm nhấn là các vùng nông thôn theo hướng xanh, sinh thái, hiện đại nhưng vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương…
Với truyền thống vẻ vang 55 năm hình thành và phát triển, lãnh đạo tỉnh Thái Bình tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vũ Thư sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu, xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình thực hiện được mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra…