Ý Đảng ấm lòng dân
Thanh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với 32 dân tộc sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 61%, chủ yếu là dân tộc Mường, Dao. Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết, việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được huyện triển khai phù hợp với hướng dẫn của tỉnh và đặc thù của địa phương; được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Năm 2012 toàn huyện có 7.244 hộ nghèo, chiếm hơn 23% thì đến hết 2022 chỉ còn hơn 6%.
Ông Hà Văn Cách, Chủ tịch UBND xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn chia sẻ, xã có tới 97% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc xã khó khăn của huyện. Bởi vậy Đông Cửu được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các công trình đường giao thông nông thôn, điện lưới, hạ tầng số, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương tăng trưởng khá.
Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, xã Đông Cửu được đầu tư làm mới 1.700m đường bê tông nông thôn; xây dựng Trường Trung học Cơ sở; đầu tư dự án đường xóm Bư đi xóm Cốc, đường xóm Cạn đi xóm Vừn Muỗng, đường từ xã Khả Cửu vào trung tâm xã Đông Cửu... Đây là một trong những động lực cho các vấn đề hạ tầng thiết yếu, giúp người dân thay đổi tư duy phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Theo bà Đinh Thị Kiều An, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, giai đoạn 2016-2020 huyện đã đầu tư gần 6.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã khó khăn. Hai năm đầu của giai đoạn 2020-2025, Thanh Sơn đã huy động đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hơn 3,5 nghìn tỷ đồng để triển khai 159 công trình; làm mới trên 12km đường giao thông nông thôn, cải tạo, nâng cấp trên 159km đường, cứng hóa đường giao thông nông thôn trên toàn huyện đạt 75%; xây mới 46 chiếc cầu, làm mới bảy tràn, 241 công trình thủy lợi đầu mối…
Cũng là huyện miền núi như Thanh Sơn, Yên Lập có 17 dân tộc chung sống, đến nay huyện có 6 xã thuộc diện được triển khai Chương trình 135, trong đó có 5 xã ATK, 1 xã đặc biệt khó khăn và 5 xã có 19 thôn đặc biệt khó khăn. Từ những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, huyện được đầu tư nhiều chương trình, dự án đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực.
Ông Hà Đức Tuấn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Yên Lập khẳng định, Chương trình 135 như một “luồng gió mới”, diện mạo vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thay đổi toàn diện về hạ tầng kỹ thuật cũng như văn hóa, xã hội. Đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với các vùng khác trên địa bàn, đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tiếp tục nỗ lực đầu tư cho vùng khó
Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,15% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 58 xã thuộc khu vực I, II, III địa bàn miền núi và 70 thôn đặc biệt khó khăn, tập trung ở các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn.
Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã bố trí nhiều nguồn lực, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến hết năm 2022, bình quân tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số đạt trên 1.400 tỷ đồng.
Theo ông Cầm Hà Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào nghèo vùng dân tộc và miền núi của tỉnh thoát nghèo nhanh, bền vững; trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là chính quyền cấp xã được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào các dân tộc có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, chính sách dân tộc còn là đòn bẩy, là động lực để các địa phương và người dân vùng khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Để tiếp tục mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó đặt mục tiêu 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; trên 80% thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia...
Thăm, chúc Tết đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tân Sơn ngày 8/1 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị huyện Tân Sơn nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức phát huy nội lực, có ý chí, khát vọng vươn lên; tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại; không mê tín, dị đoan và loại bỏ những hủ tục lạc hậu; tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, địa phương cần làm tốt công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, gắn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ Trịnh Thế Truyền cho biết, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Phú Thọ sẽ đầu tư trên 3.612 tỉ đồng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một trong những điều kiện, động lực mới để các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, thi đua phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đổi thay diện mạo, bộ mặt nông nghiệp nông thôn, nhất là nông thôn miền núi.