Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm 5 sao; 86 sản phẩm 4 sao; 366 sản phẩm 3 sao) của 175 chủ thể.
Chương trình OCOP tại Đồng Tháp đang phát triển mạnh và các sản phẩm OCOP mang đến cho nền kinh tế tại Đồng Tháp những thay đổi tích cực. Mỗi xã một sản phẩm là chương trình nhằm tận dụng nội lực địa phương từ đó phát triển và gia tăng giá trị. Mục tiêu chính của Đồng Tháp là hướng đến các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nổi bật tại địa phương.
Đồng Tháp tận dụng những đặc sản, những làng nghề sẵn có tại địa phương từ đó cải thiện nhằm phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP ở Đồng Tháp giúp bảo tồn và phát triển những làng nghề, những đặc sản, những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hiện nay, OCOP được xem là mục tiêu thiết yếu của mỗi doanh nghiệp địa phương tại Đồng Tháp. Không chỉ vậy, OCOP cũng mang đến những cơ hội khởi nghiệp từ những người dân địa phương. Tất cả với mục tiêu chung là tận dụng giá trị vốn có nhằm phát triển nông thôn mới.
Tại Đồng Tháp, sản phẩm OCOP từ cây sen có trên 50 sản phẩm. Theo PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, Đồng Tháp còn khéo léo gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP.
Ông Đinh Công Phủ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện đang phát huy thế mạnh cây sen kết hợp sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với OCOP từ cây trồng này. Huyện có 19 sản phẩm từ cây sen đạt OCOP và năm 2023 có thêm 3 sản phẩm OCOP từ sen đạt 4 sao.
Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện 2 mô điểm “Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP - Sản phẩm từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười” và “Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa huyện Tháp Mười”.
Các mô hình thực hiện hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sen. Việc sản xuất sen không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của cây sen, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: Trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy, sửa sen…
Chị Lưu Thị Mỹ Duyên - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yến Sào Thiên Phúc Đồng Tháp ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình cho biết, doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP từ sen bản địa, sản phẩm của công ty còn có thêm tổ yến. Theo chị Duyên, gia đình nuôi chim yến để lấy tổ và trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trồng nhiều sen, tận dụng lợi thế đó, chị Duyên nghiên cứu, sản xuất sữa hạt sen tổ yến. Hiện nay, doanh nghiệp của chị Duyên có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao như: Sữa hạt tổ yến, sen yến, rượu yến đông trùng và rượu yến trái cây. Các sản phẩm của công ty đang được tiêu thụ tại 10 tỉnh khu vực miền Nam.
Một sản phẩm OCOP đạt 5 sao đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp là sản phẩm hạt sen sấy của anh Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nam Huy Đồng Tháp ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành. Hiện nay, hạt sen sấy đạt OCOP 5 sao của anh Hiệp được tiêu thụ khá lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, Thủ đô Hà Nội và có mặt các quốc gia Đông Nam Á, EU, Hàn Quốc…
Ở thành phố Sa Đéc có 3 sản phẩm thuộc nhóm du lịch cộng đồng được công nhận OCOP 3 sao theo Bộ tiêu chí du lịch nông thôn gồm: Happyland Hùng Thy, vườn kiểng Ngọc Lan, homestay Ngôi nhà Hoa Ếch đều ở làng hoa thành phố Sa Đéc thu hút ngày càng du khách đến tham quan. Đây là các điểm du lịch đạt OCOP điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan và thưởng ngoạn.
Thực tế, sản phẩm OCOP ở Đồng Tháp chủ yếu là các sản phẩm truyền thống. Các sản phẩm chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu trong tỉnh. Trước đây, sản phẩm OCOP được tiêu thụ thông qua các cơ sở bán sỉ, lẻ và thương lái trong tỉnh, giờ đây các sản phẩm này không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Campuchia, Lào.
Đa số các sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao ở Đồng Tháp đều được quảng bá chính thức trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee, Voso.
Tỉnh Đồng Tháp triển khai áp dụng “Phần mềm số hóa OCOP”. Đầu ra các sản phẩm OCOP ở Đồng Tháp thông qua việc quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn..., sử dụng các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm; nổi bật ở huyện Cao Lãnh, huyện Lai Vung, Tháp Mười, Sa Đéc .
Ông Huỳnh Kim Khuê - Phó Giám đốc Trung Tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề qua đó sản phẩm OCOP nhằm quảng bá và tiêu thụ đặc sản địa phương. Đồng Tháp có lợi thế về du lịch nông nghiệp kết nối với các đơn vị lữ hành để đưa khách về tham quan và trải nghiệm sản phẩm.
Các sản phẩm đặc sản OCOP của tỉnh như Xoài Cao Lãnh, Sen Tháp Mười, Quýt hồng Lai Vung, nhãn ở Châu Thành… để du khách đến được trải nghiệm thực tế tại nhà vườn, tìm hiểu về quy trình canh tác của người nông dân làm ra sản phẩm OCOP.
Tỉnh Đồng Tháp xác định mục tiêu triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đến năm 2025 nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn. Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; có 15 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao.