Các giải pháp được đưa ra trong Kế hoạch bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của văn hóa, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư, đội ngũ những người làm văn hóa, xác định rõ vai trò từng chủ thể trong thực hiện chương trình.
Các địa phương, cơ quan, ban ngành liên quan nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, tăng cường năng lực cơ sở vật chất, hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em tại các khu công nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và các địa phương không tự cân đối được ngân sách; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay; tăng cường năng lực hoạt động thư viện số.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên phối hợp với các đơn vị, cơ quan và địa phương xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân; phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa; phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng.
Ngành Văn hóa tỉnh Phú Yên bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc. Trong đó đầu tư, tôn tạo, tu sửa một số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh; chú trọng xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một; đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật quý hiếm, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học đối với đất nước, địa phương.