Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở địa bàn các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Theo đánh giá chung, mặc dù số ổ dịch, số lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy tại Quảng Bình giảm so với cùng kỳ năm 2021 nhưng nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan trong thời gian tới rất lớn.
Đặc biệt, trong đầu tháng 7/2022, trên địa bàn huyện Minh Hóa, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 9 thôn thuộc 6 xã trên địa bàn huyện Minh Hóa, lực lượng chức năng vừa tiến hành tiêu hủy 9 con lợn với tổng trọng lượng khoảng 32 tấn.
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân là do chăn nuôi lợn chủ yếu theo hình thức nông hộ, chưa áp dụng chặt chẽ các biện pháp an toàn sinh học; thời tiết thay đổi bất thường làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; việc tăng đàn, tái đàn lợn ở một số địa phương chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh; việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm lợn chưa chặt chẽ.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, Chi cục đã đề nghị UBND các địa phương trong tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát, báo cáo, xử lý triệt để ổ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là địa phương đang xảy ra dịch tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm ổ dịch, hạn chế lây lan…
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, muốn phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả thì việc phòng dịch từ đầu mới quan trọng. Không nên để đến lúc dịch bệnh xảy ra, rồi chạy theo giải quyết hậu quả. Sở đã triển khai xây dựng mô hình an toàn dịch bệnh tại các xã, rồi nhân rộng ra và tạo điều kiện để phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.
Cùng với đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, giết mổ động vật trên địa bàn; kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán, kinh doanh động vật mắc bệnh hoặc cố tình vứt xác động vật mắc bệnh ra ngoài môi trường.
Hiện nay, trên địa bản tỉnh Quảng Bình đã triển khai xây dựng hơn 60 mô hình an toàn dịch bệnh tại các địa phương. Từ đó, ý thức phòng chống dịch nâng lên rõ rệt, người dân cũng nắm và thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn dịch bệnh; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng lan rộng…