Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, đêm 25/9, bão Noru sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 4 với sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 13. Đến ngày 27/9, sáng 28/9, bão Noru sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đổ bộ vào khu vực miền Trung với sức gió vùng gần tâm bão cấp 10, 11, giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4 - 6 m; biển động rất mạnh. Đây là cơn bão rất mạnh, có tốc độ di chuyển rất nhanh, khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh.
Để chủ động ứng phó với bão, mưa lớn kéo dài và nguy cơ lũ quét, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu, thuyền; chủ động cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) khi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển và trong khu vực ảnh hưởng của bão; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru; thông báo, hướng dẫn kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm. Tổ chức neo đậu tàu, thuyền, lồng bè đảm bảo an toàn tại nơi neo trú; chủ động đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn; trong đó lưu ý việc tàu vận tải biển, tàu cá ngư dân neo đậu khu vực cửa Sa Cần, vùng biển Dung Quất phải đảm bảo an toàn.
Đối với các huyện, thành phố, thị xã phải sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có hệ thống truyền thanh địa phương, loa truyền thanh lưu động, loa tay… để truyền tin dự báo, cảnh báo bão để người dân biết, chủ động phòng tránh. Thông báo, hướng dẫn người dân và huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chằng chống, gia cố nhà ở, công trình, trụ sở làm việc; đồng thời phải đảm bảo dự trữ đủ lương thực, nước uống cho người dân trong những ngày mưa bão. Xây dựng kịch bản chi tiết việc di dời, sơ tán người dân vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt,…để báo cáo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trước 9 giờ ngày 26/9 để tổng hợp xây dựng kịch bản chung cho tỉnh.
Riêng đối với các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Ngoài ra, trong công điện cũng yêu cầu các chủ đầu tư công trình đang thi công trên biển, ven sông triển khai biện pháp ứng phó bão, đảm bảo an toàn người, công trình, phương tiện thi công; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương xuống địa bàn được phân công để phối hợp với địa phương triển khai phương án ứng phó thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao...