Kinh tế phát triển
Năm 2023, trong bối cảnh cực kỳ nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đến nay, thực hiện chủ đề công tác năm là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, với tinh thần “kỷ luật - đồng tâm”, Quảng Ninh đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân, ý chí tự lực, tự cường, kiên trì nỗ lực, chủ động vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Năm 2023 sắp khép lại, Quảng Ninh trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế khi tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 11,03% (gấp đôi bình quân chung của cả nước), đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước và là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015 đến nay) đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020, đứng đầu khu vực phía Bắc, thứ 2 cả nước.
Khách du lịch đến tỉnh ước đạt 15,5 triệu lượt (tăng 33,6% so với cùng kỳ), doanh thu du lịch ước đạt 33.480 tỷ đồng (tăng 48%). Tỉnh có thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 55.600 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Quốc hội và HĐND tỉnh giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, Quảng Ninh đã tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, tỉnh tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực ngày càng đồng bộ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hội nhập sâu với nền kinh tế các nước trong khu vực. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn lan tỏa thông điệp Quảng Ninh ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt như: du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đến nay, toàn tỉnh có 174 dự án FDI đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 13,94 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) là đối tác dẫn đầu tổng vốn đầu tư đăng ký (chiếm ,4%), tiếp theo là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)... đầu tư vào 16/21 ngành kinh tế quốc dân, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 51,73%), tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, dịch vụ…
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh nhấn mạnh: Sự thành công của tỉnh trong thu hút đầu tư FDI không chỉ dừng lại ở những con số về tổng vốn đầu tư, mà quan trọng hơn đó là lĩnh vực, sản phẩm và dự án thu hút đều đảm bảo theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển, góp phần hình thành chuỗi công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng… Đây là kết quả của việc tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, ý chí quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Từ kết quả năm 2023 và nhìn lại nửa chặng đường triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhận định: Quảng Ninh đã “vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc”.
Với đà tăng trưởng hai con số liên tục từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công cuộc đổi mới của tỉnh Quảng Ninh ngày càng toàn diện đi vào chiều sâu, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xanh hoá, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với phát triển bền vững kinh tế biển, dựa trên các trụ cột thiên nhiên - con người - văn hóa.
An sinh đảm bảo, nhân dân hạnh phúc
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hóa - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền. Đến nay, Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Toàn tỉnh đã ban hành quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn; cao gấp 1,4 lần so với toàn quốc. Tổng chi an sinh xã hội ước đạt 1437 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ.
Quảng Ninh tiến hành hỗ trợ, sửa chữa xây mới nhà ở cho 1.450 hộ gia đình người có công với cách mạng, với tổng kinh phí 81,7% tỷ đồng; hoàn thành xóa 441 nhà tạm, nhà ở dột nát phát sinh năm 2023, với số tiền huy động trên 32 tỷ đồng.
Ông Vũ Văn Sin (dân tộc Sán Chỉ, ở thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) chia sẻ, nhờ chính sách an sinh xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát của tỉnh mà gia đình ông được hỗ trợ 80 triệu đồng làm nhà và được các đoàn thể giúp đỡ xây dựng căn nhà mới. Có nhà ở mới, các thành viên gia đình an cư, chuyên tâm vào lao động sản xuất, vượt khó trong cuộc sống.
Năm 2023, Quảng Ninh đã tạo thêm việc mới cho 21.000 lao động, vượt 5% so với kế hoạch. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ước đạt 86,46% (gấp đôi so với bình quân chung cả nước), trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 50%.
Tỉnh ban hành chính sách tiếp tục hỗ trợ trẻ mầm non, học sinh phổ thông, cơ sở giáo dục ở các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn cho khoảng 13.662 đối tượng, tại 65 cơ sở giáo dục, với kinh phí khoảng trên 31 tỷ đồng/năm.
Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em đạt nhiều kết quả. Các chỉ tiêu chương trình mục tiêu về y tế được triển khai thực hiện đảm bảo kế hoạch, hết năm 2023 toàn tỉnh đạt 55 giường bệnh, 15 bác sĩ, 2,7 dược sĩ đại học và 24 điều dưỡng trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,3% dân số toàn tỉnh (toàn quốc là 93,2%)
Diện mạo một Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, ngày càng rõ nét với 6 đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”.
Năm 2024, tỉnh xác định chủ đề năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Quảng Ninh phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; GRDP bình quân đầu người năm 2024 phấn đấu đạt trên 10.000 USD.