Tại buổi lễ, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên Môi trường và UBND huyện Cam Lộ đã tiến hành ký kết Chương trình “Chiến dịch trồng cây xanh - Phục hồi hệ sinh thái” giai đoạn 5 năm 2022-2027, trong đó tập trung trồng 5,6 triệu cây quế và 4.100 cây bóng mát trên địa bàn huyện Cam Lộ. Ngay sau buổi lễ, đông đảo cán bộ, người dân trên địa bàn đã hưởng ứng có mặt tại khu vực hồ Đá Lã, xã Cam Thủy để tham gia trồng cây.
Cây quế, loại cây đa mục đích vừa là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Nhận thấy hiệu quả của loại cây này, huyện Cam Lộ đã linh hoạt, nắm bắt các cơ hội, các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài và vận động bà con tham gia Chương trình trồng quế hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Hiện nay huyện đã trồng thử nghiệm được 36 ha quế. Trong năm 2022, huyện sẽ tiến hành trồng mới 150 ha, đến năm 2025 dự kiến sẽ trồng từ 700-1.200 ha, mục tiêu đến năm 2030 sẽ trồng 12.000 ha quế. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo thu nhập ổn định cho bà con trên toàn địa bàn huyện.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Đức Thắng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã hưởng ứng và tổ chức thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây” và Chương trình 1 tỷ cây xanh với nhiều hoạt động cụ thể. Đặc biệt, vào ngày đi làm đầu xuân, tất cả các địa phương đều chuẩn bị cây phân tán và địa điểm thích hợp để cán bộ và nhân dân tổ chức trồng cây hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ông Hoàng Đức Thắng mong muốn, trong thời gian tới, hoạt động phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị không chỉ gói gọn trong khuôn khổ Chương trình trồng quế, trồng rừng mà phát triển rộng hơn sang các loài cây bản địa khác, địa bàn khác, các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu - Vì một Việt Nam xanh, vì một Quảng Trị xanh bền vững…
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã trồng được 9.800 ha rừng trồng và trên 3,1 triệu cây phân tán, sản xuất trên 25 triệu cây giống lâm nghiệp đảm bảo chất lượng để tổ chức tốt trồng rừng tập trung. Qua đó, góp phần đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt trên 1 triệu m3. Chỉ tính riêng trong năm 2021 có khoảng 23.000 ha rừng đạt tiêu chuẩn FSC chiếm 17% loại rừng này trên cả nước. Bên cạnh đó, độ che phủ rừng năm 2021 đạt 50%, góp phần quan trọng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu đáng kể những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra…