Tăng cường hạ tầng kết nối các địa phương với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa; kết nối hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng kinh tế - xã hội và hai khu vực động lực của tỉnh đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu đô thị, hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với 6 hành lang và 3 vành đai. Đây là những nội dung trọng tâm triển khai công tác quy hoạch được tỉnh Đồng Nai làm “kim chỉ nam” thực hiện.
Lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm
Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết: Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Đồng Nai trở thành trung tâm giao thương quốc tế với nền dịch vụ phát triển mạnh mẽ, hiện đại và toàn diện, có mối liên kết chặt chẽ liên tỉnh, vùng và quốc tế. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ quan trọng như logistics, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, tài chính... đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của tỉnh và vùng.
“Đồng Nai sẽ phát triển dựa trên 4 trụ cột; trong đó, các trụ cột “Khu kinh tế sân bay - cửa ngõ giao thương của Châu Á”, “Trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại”, “Trung tâm đô thị - dịch vụ du lịch” đặt ra ưu tiên phát triển trung tâm logistic hàng không, khu vực mậu dịch tự do, trung tâm hội nghị triển lãm, xúc tiến thương mại quốc tế, sẽ tạo ra đột phá, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thương mại dịch vụ”, ông Hồ Văn Hà, nhận định và cho rằng trong 5 nhiệm vụ đột phá phát triển có xác định việc khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay, sân bay Long Thành là vùng động lực mới cho phát triển đột phá của tỉnh.
Theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 20/9/2024; trong đó, về giải pháp thực hiện, Quyết định nêu rõ: Đồng Nai nâng cao nhận thức, hiểu biết về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết tự nguyện về môi trường; nâng cao nhận thức tạo sự thống nhất cao về thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn các cơ sở triển khai thực hiện các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kiểm soát tốt nguồn phát thải khí nhà kính lớn trên địa bàn tỉnh; thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực theo lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; thực hiện nghiêm quy định về kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở, doanh nghiệp; xây dựng Chương trình giảm thiểu khí cac-bon trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trên cơ sở các tư tưởng phát triển, tư duy đột phá trong các Nghị quyết của Trung ương, Quyết định quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở khả năng khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, Đồng Nai lựa chọn 5 nhóm ngành kinh tế quan trọng làm trụ cột phát triển thời gian tới.
Trong đó, nhóm trung tâm là công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại, bao gồm phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghệ cao, trung tâm thử nghiệm, vườn ươm khởi nghiệp, đào tạo nghề chất lượng cao.
Phát triển kinh tế bền vững theo mô hình sử dụng năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển kinh tế tuần hoàn làm xuyên suốt, đồng bộ, thực hiện mục tiêu Net - Zero vào năm 2050.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng phát triển du lịch đô thị dịch vụ với điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Đồng Nai phấn đấu trở thành trung tâm trồng trọt rau củ và cây ăn quả của vùng Đông Nam Bộ; mô hình chăn nuôi gia súc và gia cầm hiện đại, khép kín và hiệu quả cao.
“Với lợi thế vị trí chiến lược, nằm trong tứ giác phát triển, Đồng Nai cùng với Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu - Bình Dương tạo thành một trục phát triển mạnh mẽ nhất của đất nước. Ngoài ra, Đồng Nai còn có lợi thế về địa lý khi nằm trên vùng đất cao, không bị ngập lụt do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Điều này sẽ là ưu thế lớn để thu hút các nhà đầu tư”, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định.
Ông Sơn cho rằng, với đô thị sân bay Long Thành, đây sẽ không còn là một điểm trung chuyển hành khách và hàng hóa thông thường, mà còn là một nơi giữ chân khách hàng, du khách. Nếu làm tốt đối với một “đô thị sân bay” như mô hình của nhiều nước đã thực hiện, thì sân bay Long Thành sẽ là lợi thế rất lớn và là một điểm đến hấp dẫn để giao lưu, hợp tác quốc tế.
Khai thác lợi thế của tỉnh duy nhất có 2 sân bay dân sự
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết thời gian tới, Đồng Nai xác định 5 đột phá phát triển; trong đó, khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay. Tỉnh hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu; trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD).
“Xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải cac-bon; tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho Vùng Đông Nam Bộ”, ông Võ Tấn Đức cho biết.
Đối với phương án liên kết không gian của tỉnh, Đồng Nai xác định tỉnh xây dựng trên cơ sở phát triển “6 hành lang” và “3 vành đai”. Trong đó, 6 hành lang phát triển gồm: hành lang sông Đồng Nai; hành lang Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Quốc lộ 51; hành lang Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Phan Thiết; hành lang Quốc lộ 1 và Đường sắt Bắc - Nam; hành lang Quốc lộ 20 và Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; hành lang Cao tốc Bến Lức - Long Thành. 3 vành đai phát triển gồm: Vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh; vành đai Quốc lộ 56 - Đường tỉnh 762; vành đai liên kết Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận, sau thời gian dài tăng trưởng mức cao, Đồng Nai đã có dấu hiệu chững lại. Kinh tế - xã hội tỉnh đã phát sinh những “điểm nghẽn”, “nút thắt” cản trở quá trình phát triển.
“Tuy nhiên, được sự quan tâm của Trung ương, những năm qua Đồng Nai được đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi giao thương kết nối tỉnh Đồng Nai với các tỉnh, thành của cả nước. Đặc biệt dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang mở bầu trời để Đồng Nai trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối Đồng Nai với các nước trong khu vực và quốc tế”, ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, để khai thác lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vấn đề hạ tầng giao thông khu vực sân bay, phải được kết nối đồng bộ, hoàn thiện và nhanh chóng.
“Để kết nối hạ tầng giao thông vùng đồng bộ với sân bay Long Thành, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD. Hiện nay, Đồng Nai đang tích cực tìm nguồn vốn vay để thực hiện phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Tỉnh sẽ sớm công bố 100 dự án về phát triển dịch vụ cho sân bay Long Thành nhằm thu hút các dự án đầu tư để đồng bộ hạ tầng dịch vụ, du lịch khi sân bay đi vào hoạt động (dự kiến tháng 9/2026)”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến năm 2030, tỉnh lấy 2 khu vực làm động lực phát triển mới cho tỉnh, gồm: Khu vực đô thị sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia và vùng; phát triển toàn diện các dịch vụ hàng không trong phạm vi Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Khu vực hành lang sông Đồng Nai, tỉnh lấy sông Đồng Nai làm trục phát triển kinh tế năng động.
Với hàng loạt các dự án đã và đang triển khai như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa… đã đưa Đồng Nai trở thành “đại công trường” của các dự án trọng đểm quốc gia.
“Quy hoạch tỉnh Đồng Nai định hướng quy hoạch hình thành “thành phố sân bay Long Thành” lấy cảng hàng không Long Thành làm trọng tâm cho việc phát triển, qua đó, hình thành thành phố sân bay đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, xứng tầm là cửa ngõ giao thương mới của cả khu vực Châu Á, phát triển đô thị Long Thành hướng tới đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2030 và sau 2030 hướng tới đô thị loại II, là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiểu vùng trung tâm của vùng Đông Nam Bộ”, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết.