Tại nhiều doanh nghiệp, những tháng cuối năm 2022, đơn hàng bị cắt giảm đáng kể, nằm ngoài kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Vì vậy, để duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp đã cắt giảm lao động tại một số vị trí không quan trọng, thỏa thuận với công nhân mỗi tháng giảm từ 4 - 6 ngày công, luân phiên nghỉ để ai cũng có việc làm, thu nhập.
Để bảo đảm quyền lợi cho công nhân lao động hết hợp đồng lao động hoặc bị cắt giảm, theo Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Liễu, đơn vị đôn đốc doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định pháp luật, trả lương trong thời gian ngừng việc, chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc và các chế độ, chính sách phúc lợi khác cho người lao động theo quy định, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động, nhất là trong tháng giáp Tết Nguyên đán 2023. Bên cạnh đó, Ban Quản lý chủ động kết nối đưa người lao động đã nghỉ việc từ doanh nghiệp này qua doanh nghiệp đang tuyển dụng, để người lao động có việc làm, thu nhập khi Tết cổ truyền đã cận kề.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Thanh cho biết, tỉnh dự kiến tổ chức chương trình Chợ Tết Công đoàn năm 2023 từ ngày 6-8/1/2023 tại Trung tâm Sinh hoạt văn hóa, thể thao công nhân lao động tỉnh. Các cấp Công đoàn rà soát, nắm đối tượng cần chăm lo trong dịp Tết, đề xuất 5.556 đoàn viên, người lao động thuộc diện chăm lo Tết với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn ngân sách của địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các ban ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục vận động các nhà hảo tâm chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đảm bảo không để hộ nào vì quá khó khăn mà không có điều kiện vui Xuân, đón Tết. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc tổ chức các đoàn thăm, tặng 500 phần quà cho người có công và hộ nghèo trong toàn tỉnh. Thành phố Sóc Trăng dự kiến tổ chức thăm, tặng quà cho hơn 5.000 hộ có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình chính sách, hộ nghèo với số tiền hơn 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thành phố và vận động xã hội hóa...
Với tinh thần “tương thân, tương ái”, tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực huy động, vận động từ nhiều nguồn tài trợ để xây dựng hoàn thành kế hoạch mục tiêu có nhà cho tất cả hộ nghèo bức xúc về nhà ở. Địa phương đã vận động, xây dựng được gần 3.500 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí trên 174 tỷ đồng.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng Dương Sà Kha khẳng định công tác chăm lo cho hộ nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng xã hội thuộc diện khó khăn trên địa bàn tỉnh đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của địa phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về.