Có mặt tại hiện trường, theo ghi nhận của phóng viên, những đoạn sạt lở này đều không còn rừng phòng hộ che chắn sóng. Khi triều cường dâng cao, sóng sẽ đánh trực tiếp vào thân đê, nguy cơ gây sạt lở đê biển. Do đó, thị xã Vĩnh Châu đang triển khai khẩn trương gia cố các đoạn đê biển bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở tại địa bàn xã Vĩnh Hải. Biện pháp khắc phục trước mắt đơn vị thi công triển khai phương án gia cố bằng cừ để tạm thời chắn sóng đánh vào đê, tránh gây sạt lở thêm.
Ông Mã Chí Thọ cho biết, hiện Phòng Kinh tế hạ tầng thị xã đang đề nghị đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để kịp ứng phó với con nước thủy triều lớn sắp tới để tránh tình trạng sạt lở thêm. Do hiện nay sóng biển và hiện tượng bồi cát làm chết một số cây rừng tại khu vực này nên khi có sóng lớn gió lớn là dễ gây sạt lở.
Thị xã Vĩnh Châu có 43 km bờ biển, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dòng chảy nên tình hình sạt lở đê biển, bờ biển xảy ra thường xuyên. Hiện nay, nhiều khu vực bờ biển không còn rừng phòng hộ, có đoạn đai rừng còn rất mỏng nên sóng biển thường xuyên uy hiếp hệ thống đê biển.
Để bảo vệ đê biển, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp công trình để xử lý sạt lở cấp bách bờ biển. Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng, riêng trong năm 2022 vừa qua, tỉnh đã triển khai nâng cấp hơn 22km đê biển; triển khai dự án xử lý sạt lở bờ biển khu vực từ cống số 2 đến cống số 4, chiều dài 2km và khu vực K41; triển khai công trình chống sạt lở bờ biển chiều dài 2,2km thuộc xã Lai Hoà, thị xã Vĩnh Châu… Ngoài ra tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến giải pháp phi công trình bằng cách phát triển rừng phòng hộ ven biển tạo hành lang chắn sóng biển bảo vệ thân đê.
Chi cục Thuỷ lợi Sóc Trăng cũng đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tiếp tục đề xuất cấp kinh phí xây dựng kè ly tâm bảo vệ bờ biển đoạn từ K39 đến K45, thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, vì đây là khu vực đai rừng mỏng, thường xuyên bị sạt lở.