Khi về, nhiều lao động mong muốn tìm việc làm, ổn định đời sống tại quê nhà. Do đó, bài toán an sinh xã hội, việc làm cho người trở về đang được các địa phương từng bước tháo gỡ.
Vợ chồng chị Lò Thị Loan ở xã Chiềng Lao là hai trong số hơn 300 công nhân, người lao động tại huyện Mường La trở về từ các tỉnh phía Nam. Vừa trút bỏ được những lo lắng về dịch COVID-19 sau 3 lần cách ly tại nhà và tập trung thì gia đình chị lại đối mặt với bao khó khăn trong cuộc sống. Hơn nửa năm làm việc tại Bình Dương, anh chị mất hơn 1 tháng nằm điều trị COVID-19 tại bệnh viện.
Cũng do dịch, doanh nghiệp gặp khó khăn nên lương anh, chị nhận được chẳng đáng là bao. Bây giờ trở về nhà đã vào mùa đông, đất canh tác dốc không thể trồng ngô, trồng sắn, việc lo cho 6 người trong gia đình hằng ngày trở nên khó khăn hơn.
Chị Lò Thị Loan chia sẻ, trong thời gian đầu khi dịch chưa bùng phát công việc của vợ chồng chị tương đối ổn định. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 15 triệu nên đủ trang trải và góp một phần gửi về để ông bà lo cho hai con. Nhưng từ tháng 8/2021, công ty phải hạn chế công nhân đến làm nên thu nhập bắt đầu bấp bênh. Đến tháng 9 thì không còn nguồn thu nhập do hai vợ chồng phải nhập viện để điều trị bệnh. Về nhà yên tâm hơn nhưng lại không có việc làm. Hai vợ chồng chị dự tính một thời gian nữa khi dịch được kiểm soát thì sẽ quay lại miền Nam làm việc.
Do địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, thường xuyên mưa lũ, xói mòn, đất canh tác bạc màu nên vài năm trở lại đây hàng nghìn lao động tại các xã trên địa bàn huyện Mường La đã rời quê hương đi lao động. Trở về địa phương do tình hình dịch COVID-19 phức tạp nên nhiều lao động đang hàng ngày mong ngóng dịch sớm được kiểm soát để quay trở lại làm việc.
Anh Lò Văn Đôn, bản Ít Bon, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La cho hay, do gia đình khó khăn, đất đai ít, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không đảm bảo cuộc sống nên các thành viên trong gia đình phải tìm việc làm ở các tỉnh khác. Gia đình anh có 3 lao động thì tất cả đều đi làm ăn xa. Đợt này ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên anh xin phép về nhà, khi nào tình hình ổn định thì sẽ tiếp tục đi làm.
Theo thống kê, huyện Mường La có khoảng 16.000 lao động đi làm ăn xa, đến nay 7.800 người đã trở về địa phương. Để giúp lao động trở về ổn định cuộc sống, các cấp chính quyền ở Mường La đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân tăng gia sản xuất cây trồng vụ đông, chăn nuôi gia súc, gia cầm; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp tục đi lao động sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết, từ đầu năm 2021 UBND huyện đã xây dựng đề án phát triển nông lâm nghiệp, trong đó xác định các đối tượng là người dân đi làm ăn xa có diện tích đất đang để không là một trong những thành phần chính. Theo đó, huyện sẽ vận động những hộ dân này trồng rừng vào những diện tích đất lâm nghiệp, sau 5-10 năm đi làm ăn xa quay trở về khai thác sẽ có thêm thu nhập. Đối với diện tích cây ăn quả, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn hỗ trợ chăm sóc khi người dân đi làm ăn xa. Huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nông nghiệp giao chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp cho các xã trong vụ đông xuân và hỗ trợ giống cho các hộ dân trở về địa phương. Bên cạnh đó huyện đã kết nối với Trung tâm dịch vụ, việc làm tỉnh tổ chức hội nghị tại các xã để giới thiệu việc làm cho người dân tại một số công ty, doanh nghiệp đã tái sản xuất. Huyện cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp đón lao động về tiếp tục làm việc tại các khu công nghiệp.
Theo thống kê trong toàn tỉnh, số lao động địa phương ra tỉnh ngoài làm ăn là trên 110.000 người, hiện trên 58.000 người đã trở về địa phương sau những ảnh hưởng của dịch. Qua rà soát, hiện có gần 5.000 lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang ở lại các tỉnh có diễn biến dịch phức tạp. Để tháo gỡ khó khăn cùng người lao động, tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định hỗ trợ lao động địa phương hiện đang ở tại các tỉnh phía Nam như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, mỗi lao động 1 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đang tập trung chỉ đạo để số lao động trở về tiếp tục tham gia vào quá trình sản xuất ở địa phương do họ vẫn còn đất đai và các phương tiện để sản xuất nông nghiệp. Khi tình hình dịch ổn định, tỉnh tiếp tục phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị có uy tín để tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo nhiều cơ hội cho người lao động lựa chọn. Hiện nay, khi bước vào giai đoạn thích ứng với bình thường mới một số doanh nghiệp đã liên hệ để đón công nhân về làm việc. Đã có hơn 2.000 người lao động quay trở lại các công ty, khu công nghiệp để tiếp tục làm việc.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tham mưu UBND để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động ngay tại địa phương. Đó là thu hút lao động vào làm việc trong các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như chế biến, sản xuất hoa quả, phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ, tập trung vào ngành du lịch, qua đó giúp lao động của tỉnh có việc làm ngay tại địa phương, giảm khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.